Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, bà Gu Qunzhen, 69 tuổi, nhân viên kế toán đã về hưu, bắt đầu ngày mới với một công việc ở khu chợ ở ngoại ô thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc. Bà đã chi khoảng 10 nhân dân tệ (36.000 đồng) để mua bắp cải, dưa chuột, đậu phụ rồi về nhà chuẩn bị bữa ăn cho mình và người chồng 75 tuổi.
Bà Gu bị mờ mắt do đục thủy tinh thể. Căn bệnh này có thể dễ dàng điều trị bằng phẫu thuật nhưng bà đã từ chối.
“Mọi thứ vẫn ổn. Tôi vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ. Những người về hưu như chúng tôi nên sống đạm bạc và cố gắng tránh trả các hóa đơn y tế. Tôi đang tiết kiệm cho các con trai và cháu của mình. Khi họ già đi, họ có thể khó có một cuộc sống tốt hơn”, bà Gu chia sẻ.
Khảo sát dân số 10 năm qua vừa được Cục Thống kê quốc gia (NBS) công bố vào tháng trước cho thấy dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Song nước này đang đối mặt với thực trạng ngày càng ít người lao động nộp tiền vào quỹ duy trì hệ thống lương hưu. Trong khi đó, số người cao tuổi cần được hỗ trợ lại ngày càng tăng lên. Nhiều người đang lo lắng cuộc sống sau khi nghỉ hưu của họ sẽ vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59 ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 894 triệu người, giảm khoảng 5% so với mức cao nhất 925 triệu người hồi năm 2011.
Theo khảo sát, số người trên 65 tuổi đã tăng từ 119 triệu người năm 2010 lên 191 triệu người vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc trong năm 2020, 13,5% dân số Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn quỹ hưu trí trên, tăng đáng kể so với con số 8,9% ghi nhận 10 năm trước.
Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có về nhân khẩu học. Dân số nước này đang già đi nhanh chóng khi ước tính đến năm 2050, số người trên 60 tuổi dự kiến sẽ chiếm 1/3 tổng dân số. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), quỹ hưu trí sẽ đạt đỉnh 6,99 nghìn tỉ nhân dân tệ vào năm 2027, và có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2035.
Trong khi đó, tỉ lệ lương hưu với thu nhập khi còn lao động cũng đã giảm trong nhiều thập kỷ. Vào năm 1998, lương hưu trung bình của một người Trung Quốc chỉ bằng 87% mức lương của họ vào năm trước khi về hưu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con số này đã giảm mạnh xuống 45%, cho thấy mức sống của những người nghỉ hưu đang giảm đáng kể.
Zhang Cheng, Giám đốc tiếp thị 45 tuổi tại một công ty Internet ở Bắc Kinh, cho biết anh rất sốc khi nhận ra rằng cuộc sống sau khi nghỉ hưu sẽ không như anh tưởng tượng.
“Cuộc điều tra dân số giống như một hồi chuông cảnh tỉnh. Tôi nghĩ mình sẽ có thể tiếp tục lối sống của tầng lớp trung lưu sau khi nghỉ hưu, đi xem hát, cắm trại với bạn bè vào cuối tuần, lái xe vòng quanh Trung Quốc và thỉnh thoảng dành những kỳ nghỉ ở nước ngoài với con gái. Tuy nhiên, bây giờ giấc mơ đó dường như khó có thể trở thành hiện thực”, anh nói.
Zhang là trụ cột gia đình và chỉ dựa vào duy nhất nguồn thu nhập từ lương để nuôi vợ và con gái 8 tuổi. Hiện mức lương của anh khoảng 30.000 nhân dân tệ (108 triệu đồng)/tháng. Tuy nhiên khi về hưu, thu nhập của anh theo chương trình hưu trí nhà nước sẽ giảm xuống chưa bằng một nửa.
“Tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để duy trì công việc trước khi nghỉ hưu vì tuổi nghỉ hưu bắt buộc dự kiến sẽ tăng lên,” anh nói.
Hồi tháng 3, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tăng dần độ tuổi nghỉ hưu trong vòng 5 năm tới nhưng chưa đưa ra kế hoạch chi tiết. Trung Quốc là một trong những nước đưa ra mức tuổi nghỉ hưu thấp nhất trên thế giới: 50 tuổi đối với phụ nữ lao động chân tay, 55 tuôit đối với lao động lao động trí óc và 60 đối với nam giới làm việc trong tất cả các lĩnh vực.
Các cuộc thảo luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng.
Năm 2000, tỉ lệ dân số trong tuổi lao động với người trên 65 tuổi là 10:1. Tới năm 2020, tỉ lệ này còn 5:1. Theo một dự đoán, tỉ lệ này tới năm 2030 có thể sẽ giảm xuống 4:1 và thậm chí là 2:1 vào năm 2050.
Theo chuyên gia kinh tế Trung Quốc Larry Hu tại tổ chức Macquarie Group (Australia), Chính phủ Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là phải nâng tuổi về hưu.
"Tỉ lệ dân số già ở Trung Quốc hiện ngang với Nhật Bản vào năm 1992 và Hàn Quốc vào năm 2015. Tỉ lệ này sẽ tăng lên trong những năm tới. Một thực tế phũ phàng hơn là người Trung Quốc đang già đi trước khi kịp trở nên giàu có”, ông Hu nói. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bắt đầu già đi nhanh chóng khi mỗi người giàu gấp 3 lần.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang đối mặt với những thách thức về hệ thống lương hưu nông thôn. Trung Quốc đưa ra mô hình này vào năm 2008. Theo đó, người nông dân đóng ít nhất 100 tệ vào quỹ hưu trí mỗi năm, sẽ nhận lại tối thiểu 55 tệ/tháng khi đủ 60 tuổi. Trong khi đó, người về hưu thành thị nhận lương hưu trung bình hàng tháng là 2.362 nhân dân tệ, dữ liệu chính thức cho biết.
Zeng Wenjing, 65 tuổi, ở tỉnh Tứ Xuyên, nhận được lương hưu 60 tệ do bà đã tham gia chương trình hưu trí trước đó. Hiện tại, bà đang sống ở Bắc Kinh với con trai và cháu gái. Bà cho biết mình đã tiết kiệm suốt cả đời.
"Nông dân chúng tôi từng bị gạt ra khỏi hệ thống phúc lợi xã hội và phải sống dựa vào đất đai và con cái khi về già. Giờ đây, chúng tôi đã có lương hưu. Mọi thứ đã tốt hơn trước, nhưng vẫn chưa đủ", bà Zeng nói.
Bà cho biết bà chưa mua quần áo mới trong suốt 10 năm qua và thú vui duy nhất của bà là đi nhảy ở khu vực công cộng vì nó miễn phí.
"Tôi luôn nói với con trai mình phải tiết kiệm và tiết kiệm từng xu để chuẩn bị cho những ngày sau, vì khi nghỉ hưu khi thu nhập có thể sẽ thấp hơn nhiều", bà Zeng nói.