Trong một phát biểu tại phiên họp của một ủy ban Hạ viện trước cuộc điện đàm trên, ông Abe khẳng định: "Tôi muốn phối hợp chặt chẽ về chính sách (với ông Trump) nhằm giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, và quan trọng nhất là các vấn đề liên quan đến các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc" trong những năm 1970-1980, vốn là nguyên nhân khiến hai nước chưa thể bình thường hóa quan hệ.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tháng 6/2018 tại Singapore, lãnh đạo hai nước đã nhất trí rằng Washington sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, đổi lại là việc "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên. Theo đề nghị của ông Abe, tại cuộc gặp này, ông Trump cũng đã nêu vấn đề bắt cóc con tin Nhật Bản thời chiến.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc gặp Thủ tướng Abe ngày 19/2, người đứng đầu nhóm đại diện các gia đình những người bị bắt cóc, ông Shigeo Iizuka kêu gọi nhanh chóng giải quyết vấn đề này và giải thích với Thủ tướng thông điệp mới của nhóm này gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, nhóm này cho biết: "Chúng tôi sẽ phản đối bình thường hóa quan hệ ngoại giao nếu tất cả các nạn nhân bị bắt cóc không được lập tức trở về nhà".
Theo số liệu chính thức của Tokyo, có 17 công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc. 5 trong số 17 công dân này đã được về nhà năm 2002, song Bình Nhưỡng vẫn nói rằng 8 người đã thiệt mạng và 4 người khác chưa bao giờ vào Triều Tiên.
Triều Tiên chỉ xác nhận một trong số 17 công dân trên là Minoru Tanaka đang sống tại Bình Nhưỡng. Ngoài ra, một người khác là Tatsumitsu Kaneda, mà Tokyo tin là bị bắt cóc, cũng được Triều Tiên xác nhận là đang sống tại nước này.