Kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba

Ngày 20/7/2015 đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong suốt chiều dài quan hệ sóng gió giữa Mỹ và Cuba khi hai nước chính thức nối lại quan hệ ngoại giao bằng việc mở lại đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định sự kiện này là minh chứng cho thấy cam kết của chính phủ Mỹ về một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương cho dù hai bên vẫn còn nhiều khác biệt. Ông nhấn mạnh mong muốn hai nước trở thành những người láng giềng tốt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và mong muốn người dân Mỹ cũng như Cuba hướng tới tương lai với niềm hy vọng.

Lễ thượng cờ Cuba tại trụ sở Đại sứ quán nước này ở Washington ngày 20/7.


Về phần mình, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhấn mạnh hai bên có thể tiến tới sự kiện ngày 20/7 là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro cũng như sự quyết tâm và bền bỉ của người dân Cuba cùng sự tin tưởng vững chắc vào con đường đã chọn.

Kết quả của sự nỗ lực từ hai phía

Động thái này là kết quả của sự điều chỉnh chính sách của Mỹ và Cuba, gạt bỏ mâu thuẫn để đi đến hợp tác một cách bình đẳng, chấm dứt hơn nửa thế kỷ thù địch giữa hai nước. Việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố từ ngày 17/12/2014, trong đó đồng ý chấm dứt sự thù địch để đi đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, hàng loạt các cuộc đàm phán đã diễn ra ở La Habana, Washington với những sự đồng thuận và nhượng bộ từ cả hai phía trong một loạt các vấn đề, đặc biệt là việc Mỹ quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Sự chuyển đổi này được đưa ra sau khi Washington thừa nhận rằng chính sách của họ nhằm thay đổi chế độ tại Cuba thông qua các biện pháp trừng phạt và cấm vận thương mại đã lỗi thời và thực sự thất bại. Và thay vào đó Nhà Trắng nhận thấy họ cần thúc đẩy một cách tiếp cận khác phù hợp với xu thế mới của thời đại, đồng thời giúp họ có thể lấy lại được vị thế ở Mỹ Latinh, khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội mới đây, Chủ tịch Raul Castro cho rằng hai bên đã có một sự khởi đầu suôn sẻ và giờ đây “một giai đoạn mới có thể là lâu dài và phức tạp hơn sẽ bắt đầu để hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương”. Điều này sẽ đòi hỏi sự quyết tâm tìm giải pháp đối với các vấn đề đã tích tụ hơn 5 thập kỷ qua và từng làm tổn thương tới quan hệ giữa hai quốc gia.

Xây dựng lòng tin

Cả Mỹ và Cuba đều cho rằng đây chỉ là bước khởi đầu, đồng thời cảnh báo việc vượt qua hàng thập kỷ của sự thù địch là không dễ dàng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng “có những vấn đề chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt”.

Ted Piccone, nhà phân tích từ Viện Brookings cho rằng Mỹ thay đổi chính sách thù địch đã lỗi thời bằng chính sách can dự xây dựng như là biện pháp hiệu quả để ủng hộ và nâng cao vai trò của người dân Cuba. Trong khi đó, Cuba cần Mỹ như một cỗ máy kinh tế để thu hút đầu tư và nguồn vốn nước ngoài, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế mà không phải tiến hành cải cách chính trị trong nước. Việc xây dựng lòng tin lẫn nhau sẽ là vấn đề quan trọng nhất quyết định các bước đi tiếp theo giữa hai nước.

Một trong những vấn đề gai góc nhất hiện nay trong quan hệ song phương Mỹ - Cuba vẫn là vấn đề Washington yêu cầu Cuba phải cải thiện quyền tự do bày tỏ chính kiến, tự do tôn giáo và báo chí. Một vấn đề khác là yêu cầu đòi bồi thường tài sản cho Mỹ trong cuộc cách mạng Cuba năm 1959. Khoảng 5.911 vụ kiện đã được thụ lý ở Mỹ với giá trị ước tính từ 7-8 tỷ USD.

Về phía Cuba, Chủ tịch Raul Castro hối thúc Tổng thống Obama sử dụng quyền hành pháp để từng bước dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế được áp dụng đối với nước này từ hơn nửa thế kỷ qua, cho rằng đây là vấn đề gây trở ngại lớn nhất để hướng đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez khẳng định, việc dỡ bỏ hoàn toàn bao vây cấm vận, trả lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trái phép Guantanamo cũng như tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Cuba và đền bù những thiệt hại kinh tế và nhân đạo đối với người dân Cuba là những bước đi quyết định để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương.

Khó khăn còn ở phía trước

Một số nghị sỹ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa chỉ trích “sự vội vàng” của chính quyền Mỹ hiện nay nhằm “lấy lòng” Cuba. Thượng nghị sỹ Mỹ gốc Cuba Marco Rubio, một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 thuộc đảng Cộng hòa tại bang Florida - nơi có đông người Mỹ gốc Cuba sinh sống, cho rằng quyết định của Tổng thống Obama là “sự ban thưởng cho chính quyền Castro và sự khởi đầu con đường bình thường hóa quan hệ với Cuba là không thể giải thích nổi”.

Quốc hội Mỹ cũng có quan điểm trái chiều đối với quyết định của Nhà Trắng, nhiều nghị sỹ bày tỏ quan điểm ủng hộ nhưng cũng không ít nghị sỹ phản đối. Tuy nhiên, tiếng nói ủng hộ vẫn là chủ yếu trong dư luận Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng có thể có sự thay đổi về đạo luật quan hệ với Cuba trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh bước đi của chính quyền Obama và hy vọng tìm được nhiều cơ hội làm ăn với Cuba. Đáng chú ý, kể từ khi Tổng thống Obama tuyên bố tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba, phần lớn cộng đồng người Mỹ gốc Cuba đã bày tỏ thái độ hoan nghênh đối với quyết định của Nhà Trắng.

Mỹ và Cuba đã đạt được bước tiến lịch sử trong việc cải thiện quan hệ song phương và để đến được thời điểm này thì trước đó hai bên đã phải tổ chức các cuộc đàm phán bí mật kéo dài hơn 18 tháng kể từ tháng 6/2013 tại Canada. Nhà ngoại giao, nhà phân tích kỳ cựu người Cuba Carlos Alzugaray khẳng định "đây là thời điểm lịch sử", và giờ là lúc những khó khăn thực sự bắt đầu. Việc hai nước mở cửa trở lại các đại sứ quán là bằng chứng thể hiện lòng tin và sự tôn trọng mà hai phía dành cho nhau... Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sẽ không còn xảy ra mâu thuẫn. Ngược lại, mâu thuẫn thậm chí sẽ còn nhiều hơn. Tuy nhiên, cách họ xử lý và giải quyết các bất đồng sẽ hoàn toàn thay đổi.

Thuận Lê
Sau 54 năm kiên cường, Cuba đã có thể đàm phán ngang hàng với Mỹ
Sau 54 năm kiên cường, Cuba đã có thể đàm phán ngang hàng với Mỹ

Cuộc trao đổi với ông Sergio Alejandro Gómez, Trưởng ban Quốc tế và Đặc phái viên của nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN