Mỹ-Cuba cải thiện quan hệ: Cơ hội và thách thức với EU

Mới đây, trong một bài phân tích đăng trên tạp chí của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Ba Lan, hai nhà nghiên cứu Olga Nowicka và Damian Wnukowski của Viện này nhận định rằng việc Mỹ và Cuba cải thiện quan hệ đã tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với Liên minh châu Âu (EU). 


Sau hơn 50 năm “đóng băng” quan hệ ngoại giao, ngày 20/7, Mỹ và Cuba đã chính thức mở lại đại sứ quán ở thủ đô của nhau. Hai nhà nghiên cứu nói trên cho rằng quan hệ Mỹ-Cuba ấm lên sẽ đem lại lợi ích cho mối quan hệ giữa EU với Cuba, vốn bị hạn chế trong nhiều năm qua do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Châu Âu cần tăng cường quan hệ với Cuba, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm hỗ trợ quá trình bình thường hóa quan hệ giữa nước này với Mỹ, đồng thời gỡ bỏ các rào cản thương mại đã và đang tác động tiêu cực đến các công ty của EU. 


Trên thực tế, kể từ khi bãi bỏ lệnh cấm vận với Cuba năm 2008, EU đã tích cực bình thường hóa quan hệ với quốc đảo này. Năm 2014, quá trình đàm phán về thỏa thuận hợp tác và đối thoại chính trị giữa hai bên đã được tái khởi động, dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2015. Thời gian qua, quan hệ hợp tác EU-Cuba cũng bị tác động do các biện pháp cấm vận của Mỹ. Năm 1996, Mỹ thông qua đạo luật Helms-Burton cho phép trừng phạt về tài chính đối với các công ty nước ngoài hợp tác với Cuba.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez hội đàm tại Washington ngày 20/7. Ảnh: THX/TTXVN


Đạo luật này tác động tiêu cực tới quan hệ kinh tế-thương mại giữa EU và Cuba vì các công ty của EU lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Cùng với sự ấm lên trong quan hệ song phương, nhiều khả năng đạo luật Helms-Burton cũng sẽ sớm được bãi bỏ. Điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại và hợp tác đầu tư giữa EU và Cuba. Hơn nữa, việc cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba cũng sẽ giúp gỡ bỏ các rào cản về tâm lý giữa phương Tây và các nước Mỹ Latinh, đồng thời cải thiện hình ảnh của EU ở khu vực này.


EU đã cho thấy sự sẵn sàng trong việc tăng cường hợp tác với Cuba. Điều này được thể hiện rõ qua chuyến thăm khu vực của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini hồi tháng 3/2015 và chuyến thăm của Tổng thống Pháp François Hollande hồi tháng 5/2015. Hai bên cũng đã triển khai nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, văn hóa và giáo dục. Gần đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và khu vực Caribe (CELAC) tháng 6/2015, EU đã tuyên bố sẽ hỗ trợ hơn 800 triệu euro cho khu vực này, trong đó có một số dự án đầu tư ở Cuba. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư lớn nhất ở Cuba. Việc đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường ở nước này sẽ tiếp tục mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp EU. Rõ ràng, EU có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Cuba do Mỹ vẫn duy trì một số biện pháp cấm vận đối với quốc đảo này.


Tuy nhiên, EU cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong trường hợp các lệnh cấm vận bị dỡ bỏ hoàn toàn, sự cạnh tranh từ các công ty của Mỹ sẽ gia tăng mạnh mẽ do có lợi thế về địa lý. Ngoài ra, các hoạt động tăng cường quan hệ của Nga và Trung Quốc đối với Cuba cũng là yếu tố phải tính đến. Trung Quốc hiện cũng là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Cuba. Nga cũng dành sự quan tâm đáng kể đối với Cuba.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gần đây đã có chuyến công du tới Cuba để đảm bảo rằng việc nước này mở cửa đối với phương Tây không làm suy giảm quan hệ truyền thống giữa Moskva và La Habana. Trung Quốc và Nga cho thấy họ là các đối thủ đáng gờm của EU và Mỹ, nhất là khi Mỹ và EU tiếp tục gây áp lực buộc Cuba tiến hành cải cách trong các lĩnh vực tự do cá nhân và tôn trọng nhân quyền.


Trong bối cảnh đó, việc mở rộng quan hệ với Cuba nhằm củng cố vị thế kinh tế và chính trị ở khu vực Mỹ Latinh - trước mắt là hoàn tất việc đàm phán ký kết Thỏa thuận hợp tác và đối thoại chính trị với Cuba - thực sự vừa là cơ hội, vừa là thách thức không nhỏ đối với EU.


Nguyễn Hồng Tâm (TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ và Cuba có cuộc hội đàm lịch sử
Ngoại trưởng Mỹ và Cuba có cuộc hội đàm lịch sử

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc tiếp đón và hội đàm với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN