Khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ và đàm phán Brexit khiến thị trường tiền tệ biến động liên tục

Giới phân tích tại Anh nhận định rằng tuần này có lẽ là một tuần nhiều biến động nữa đối với các nhà đầu tư tài chính tiền tệ, trong đó cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố được nhắc tới nhiều nhất.

Chú thích ảnh
Kiểm đồng USD tại quầy giao dịch tiền tệ ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng với đó, giới đầu tư cũng theo sát diễn biến đàm phán Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) với tâm trạng lo lắng về nguy cơ Brexit “không thỏa thuận”.

Đồng lira đang rơi tự do, với mức giảm gần 20% chỉ trong phiên giao dịch ngày 10/8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ. Đằng sau cuộc tranh chấp thương mại là căng thẳng giữa hai nước xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson vì tội gián điệp và khủng bố.

Đồng lira tiếp tục giảm 9% trong phiên sáng 13/8 trước khi hồi phục đôi chút và chỉ giảm khoảng 6% sau khi Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục sự ổn định tài chính sau sự lao đốc của đồng lira. Một số nhà đầu tư thị trường mới nổi lưu ý rằng nếu tài sản trên các thị trường mới nổi khác cũng lao dốc do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì đây có lẽ cũng là cơ hội để họ mua vào.

Trong khi đó, đồng USD mạnh lên tiếp tục "đóng góp" vào sự yếu kém của đồng bảng, song đồng thời cũng làm sâu sắc thêm những vấn đề chính trị xung quanh Brexit. Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua trong tuần trước là 1,272 USD trong phiên 10/8. Các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 16 và 17/8, trong mối quan ngại ngày càng gia tăng về khả năng Brexit không thỏa thuận. Các số liệu kinh tế công bố trong tuần qua cho thấy kinh tế Anh đang hồi phục với nhịp độ tăng trưởng nhanh hơn sau màn trình diễn kém cỏi hồi đầu năm. Mặc dù vậy, một số nhà chiến lược ngoại hối lạc quan rằng Anh và EU sẽ đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót 29/3/2019, cho dù con đường có thể không êm ả và đồng bảng có thể yếu đi hơn nữa trước khi dần mạnh lên.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tháng Tám thường mang lại nhiều rủi ro cho các thị trường, do vào thời điểm này, các sàn giao dịch và thanh khoản thường “mỏng”. Tháng Tám năm nay, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, với mức sụt giảm trên 35% từ đầu năm tới nay và 50% trong vòng một năm trở lại đây đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng thực sự. Tuy nhiên, đồng lira không phải là yếu tố duy nhất mà giới đầu tư đánh giá là những yếu tố rủi ro đối với thị trường trong tháng này. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga và Iran, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, các cuộc đàm phán ồn ào về ngân sách đang diễn ra (trước khi Chính phủ dân túy của Italy/I-ta-li-a công bố bản dự thảo ngân sách dự kiến vào tháng Mười tới) đều là những yếu tố gây ra sóng gió cho các thị trường.  

Như Mai (P/v TTXVN tại London)
Nhật Bản điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng
Nhật Bản điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo cơ quan này sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng, đồng thời hạ mức dự báo về tỷ lệ lạm phát của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN