Người di cư vượt qua hàng rào dây thép gai gần Roszke, Hungaria, giáp giới Serbia. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát ngôn viên của UNHCR, Melissa Fleming, nói rằng cuộc khủng hoảng đã phơi bày sự khác biệt trong thái độ và chính sách của các nước thành viên EU. Bà kêu gọi thành lập những trung tâm giải quyết di dân dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Tổ chức Di cư Quốc tế.
Trước đó, Trưởng Cao ủy Antonio Guterres nói cuộc khủng hoảng người tị nạn là một “thời khắc định hình” cho EU và nếu EU vẫn tiếp tục chia rẽ về vấn đề này thì sẽ chỉ có lợi cho những kẻ đưa người trái phép và buôn người xuyên biên giới.
Cuộc khủng hoảng di dân đứng đầu chương trình nghị sự tại một cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại Luxembourg hôm 4/9. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đầy thử thách này.
Ngoại trưởng Steinmeier nêu rõ: “Chúng ta phải bắt đầu một hình thức hợp tác khác. Tinh thần của cuộc họp này và những cuộc họp trong tương lai phải là châu Âu không thể cho phép mình chia rẽ ngay cả khi đối mặt với một thách thức như vậy”.
Chính phủ Italy, Pháp và Đức dự kiến sẽ thúc đẩy một hệ thống của châu Âu cho phép hồi hương những di dân không đủ điều kiện xin tị nạn và cải thiện kiểm soát biên giới.
Mặc dù không bị tác động nhiều bởi làn sóng di cư, kể cả thời điểm Hungary đóng cửa biên giới và Macedonia tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Hy Lạp, Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec tuyên bố quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000 người nhập cư và không phản đối các hạn ngạch phân bổ người nhập cư theo yêu cầu của EU.
Theo hãng tin ANSA ngày 5/9, trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị Slovenia tiếp nhận tổng cộng 2.128 người nhập cư từ Italy và Hy Lạp để giúp các nước này giảm tải số lượng người xin tị nạn.
Cùng ngày, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiếp nhận 15.000 người tị nạn Syria nhằm giúp giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người di cư đang đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn.