Khủng hoảng di cư ở châu Âu: Chính sách của Australia là câu trả lời?

Australia nổi tiếng với chính sách cứng rắn “ngăn chặn thuyền” khi những tàu thuyền chở người di cư bất hợp pháp tới bờ biển nước này bị gửi trả lại nơi họ xuất phát.

Khi châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng hàng trăm nghìn người tị nạn và di cư đến "ngưỡng cửa nhà mình" từ châu Phi, thì chính sách cứng rắn song được coi là khá hiệu quả của Australia lại được đưa ra tranh luận và thậm chí chính phủ một số nước châu Âu đã đặt lên bàn cân nhắc, xem xét áp dụng.

Chính phủ Australia vừa đáp trả một bài báo đăng trên tờ Thời báo New York chỉ trích cách mà Thủ tướng Tony Abbott giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp bằng thuyền đến nước này và khuyên châu Âu không nên làm theo.

Một poster về chính sách ngăn chặn tàu thuyền chở người di cư bất hợp pháp của Chính phủ Australia.


Thủ tướng Australia Tony Abbott nổi tiếng với chính sách cứng rắn “ngăn chặn thuyền” khi những tàu thuyền chở người di cư bất hợp pháp từ Iraq, Afghanistan và Iran tới bờ biển nước này bị gửi trả lại nơi họ xuất phát, thường là từ Indonesia. Bộ trưởng Nhập cư Australia Peter Dutton vừa qua đã ra tuyên bố khẳng định: “Không một chính phủ có trách nhiệm nào có thể đứng yên khi đối mặt với những thảm kịch được lặp đi lặp lại đó. Chính sách của chúng tôi là hợp pháp, an toàn cho họ và cứu được cuộc sống của họ”.

Giống như Australia, Anh đã thông qua một chính sách cứng rắn nhằm ngăn mọi người thực hiện chuyến đi, thậm chí thu giữ tiền lương của người di cư bất hợp pháp nếu họ đặt chân được lên nước Anh. Một cách tiếp cận mềm hơn ở Đức, nước vừa qua tuyên bố mọi người di cư Syria có thể ở lại nước này, đã làm tăng dòng người di cư tới đây với dự kiến trong năm nay có khoảng 800.000 người.

Khi tình trạng khẩn cấp về người di cư ở châu Âu ngày càng trở nên đáng lo ngại và khu vực này đang tìm kiếm một giải pháp trong tuyệt vọng, thì tờ “Thời báo New York” lại nói rằng chính sách như của Australia không phải là câu trả lời. Tờ báo này coi chính sách của ông Abbott là “vô nhân đạo, có tính pháp lý mơ hồ và đi ngược lại với truyền thống của đất nước chào đón những người chạy trốn khủng bố và chiến tranh”.

Bộ trưởng Nhập cư Australia Dutton đã phản đối mạnh mẽ. Ông cho biết nhờ chính sách của chính phủ hiện nay mà số người chết do di chuyển trên những tàu thuyền cũ nát đến Australia giảm mạnh. Từ năm 2008-2013, dưới thời chính phủ tiền nhiệm, đã có 1.200 người bỏ mạng trên biển trong hành trình “tìm miền đất hứa” đến Australia. Trong năm đầu tiên của chính phủ hiện nay, từ tháng 9/2013, các cơ quan chức năng đã chặn 12 tàu thuyền chở người di cư bất hợp pháp và không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Kể từ đó, các tuyên bố chính thức của chính phủ cho thấy không có tàu thuyền nào bị chặn trong vùng biển của Australia.

Chính sách người di cư của Australia là gì?


Chính sách của Thủ tướng Abbott hình thành Hoạt động Biên giới Chủ quyền, một chiến dịch bảo vệ biên giới gây nhiều tranh cãi nhằm giảm số người tìm cách đến “xứ sở chuột túi” bằng thuyền. Với chiến dịch này, giới chức thấy tàu thuyền nào tìm cách vào Australia bất hợp pháp sẽ bị đuổi khỏi vùng biển của nước này và gửi tới trung tâm ở các quốc đảo chờ xử lý như Nauru hay Papua New Guinea. Những ai không có thị thực thì không thể nhập cảnh vào Australia, dù cho họ là những người trong một gia đình, trẻ em hay thậm chí trẻ em không có người đi kèm. Sau đó họ sẽ được đưa lên tàu quay trở lại nơi xuất phát. Tuy nhiên, tình hình ở những trung tâm xử lý người di cư không gặp thuận lợi do liên tục bị cáo buộc “xuống cấp”, trẻ em bị lạm dụng, phụ nữ bị lạm dụng tình dục... Gần đây, chính phủ của Thủ tướng Abbott còn chịu “búa rìu dư luận” khi bị cho là đã trả tiền cho những tổ chức buôn người để họ đưa người di cư trái phép trở lại nơi xuất phát.

Hải quân Australia giải cứu người tị nạn trên một con tàu chìm gần đảo Christmas năm 2001. Ảnh: Reuters


Vấn đề này ở Australia đã gây căng thẳng trong nhiều năm, làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận mang tính chính trị. Chính phủ tiền nhiệm do Công đảng lãnh đạo có cách tiếp cận tương tự để giải quyết vấn đề người nhập cư bằng thuyền khi vào năm 2013 đã ký thỏa thuận với quốc đảo Papua New Guinea để chuyển những người di cư bằng thuyền đến đảo Manus và chỉ tái định cư cho những ai là người di cư hợp pháp. Cựu Thủ tướng Kevin Rudd khi đó nói rằng: "Từ nay, bất kỳ người xin tị nạn nào đến Australia bằng thuyền sẽ không có cơ hội được định cư ở Australia với tư cách là người tị nạn.” Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra với những chỉ trích rằng Australia đã quay lưng lại với những người dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Đó là những gì châu Âu cần?

Thủ tướng Abbott đã lên tiếng sau cái chết của hơn 800 người di cư đến châu Âu khi thuyền của họ bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Syria hồi tháng 4/2015. Ông khuyên châu Âu áp dụng những “chính sách thật mạnh” để chấm dứt nạn buôn người xuyên Địa Trung Hải. Phát biểu với hãng tin ABC, ông Abbott cho rằng: “Chắc chắn sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người phải bỏ mạng khi tìm cách di cư bằng thuyền từ châu Phi tới châu Âu. Cách duy nhất để ngăn chặn những cái chết này là ngăn chặn những kẻ buôn người, ngăn chặn các tàu thuyền”.

Tình hình đã xấu đi đáng kể ở châu Âu từ đầu năm nay khi trong 7 tháng qua có khoảng 340.000 người di cư trả tiền cho những kẻ buôn người để được đi thuyền từ những khu vực xảy ra chiến tranh, vượt qua Địa Trung Hải, tới châu Âu. 

Nhiều chính phủ châu Âu trong khi tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra đã nhìn sang Australia để xem xét áp dụng chính sách tương tự. Một số lãnh đạo châu Âu thậm chí còn tới nước này để tìm hiểu thực tế về chính sách người di cư. Leonard Doyle, một phát ngôn viên của Tổ chức Di cư Quốc tế, nhận định rằng “Mô hình của Australia có vẻ hấp dẫn các chính trị gia châu Âu”.


Khánh Linh (P/v TTXVN tại Australia)
Châu Âu chung tay giải quyết khủng hoảng di cư
Châu Âu chung tay giải quyết khủng hoảng di cư

Sáng 5/9, cảnh sát Áo cho biết chỉ trong vài giờ, khoảng 2.500 - 3.000 người di cư đã từ Hungary vào Áo sau khi Hungary cho phép các xe buýt chở người di cư từ thủ đô Budapest tới biên giới. Trước đó, chính phủ Áo và Đức đã tuyên bố chấp nhận tiếp đón thêm hàng nghìn người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN