Đôi khi người thông thái nhất lại là những người ít tuổi nhất. Đó là trường hợp của cậu bé di cư 13 tuổi người Syria tên Kinan Masalmeh khi em nói về gốc rễ cuộc khủng hoảng di cư đang “quét” qua châu Âu.
Đứng trả lời phỏng vấn kênh Al Jareeza giữa những người lớn tuổi kế bên ở thủ đô Budapest, Hungary, Masalmeh bày tỏ: “Người Syria cần được giúp đỡ. Các anh chỉ cần chấm dứt chiến tranh và chúng tôi sẽ chẳng mong chờ sang châu Âu. Hãy chấm dứt chiến tranh”. Cậu bé lý giải, em và những người di cư Syria khác muốn sống ở mảnh đất quê hương, nhưng chiến tranh và bất ổn tại quốc gia Trung Đông này đã làm mong muốn tưởng như đơn giản kia trở thành nên không thể. Lập luận của em rất đơn giản: Mọi người có thể giúp đỡ người tị nạn Syria, hoặc là tìm ra cách thức chấm dứt xung đột ở đất nước này.
Kinan Masalmeh đã cắt nghĩa "hoàn hảo" về gốc rễ cuộc khủng hoảng mà cả châu Âu đang cố tìm cách tháo gỡ. Ảnh: aljazeera |
Lời bình luận “chính sách” của Masalmeh ngay lập tức “gây bão” trên mạng xã hội, nhận được hàng triệu lượt like và hàng nghìn lượt chia sẻ. Nó được đưa ra sát thời điểm dư luận thế giới bàng hoàng trước những
bức ảnh chụp thi thể bé trai 3 tuổi Aylan người Syria “nằm nghỉ” bên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng xa hoa Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Ước mơ về bến đỗ mới ở châu Âu khép lại với bé. Thế nhưng bi kịch không dừng lại ở đó, người mẹ cùng người anh trai Galip cũng chịu chung số phận, chỉ còn người bố Abdullah Kurdi may mắn sống sót khi chiếc thuyền chở người di cư gặp nạn.
Phát biểu trước báo giới hôm 3/9 khi làm thủ tục nhận thi thể của ba người thân, ông Kurdi nghẹn ngào nói: “Chúng tôi muốn thế giới để tâm đến chúng tôi, để từ đó có thể ngăn chặn những bi kịch tương tự. Hãy xem đây là trường hợp cuối cùng”. Truyền thông châu Âu hai ngày qua tràn ngập thông tin về bi kịch “cậu bé Syria”, nhiều người lên tiếng yêu cầu các quốc gia hành động tức thời trong cuộc khủng hoảng người di cư. Tờ Independent (Anh) đặt một câu hỏi lớn: Nếu những hình ảnh đặc biệt ám ảnh về thi thể em bé Syria bị sóng đánh dạt lên bờ biển không làm thay đổi thái độ của châu Âu đối với người tị nạn thì cái gì mới đủ sức làm họ lay động?
Châu Âu vẫn chia rẽCâu hỏi mà tờ báo Anh và dư luận châu Âu đặt ra dường như vẫn chưa có câu trả lời, khi mà các quốc gia ở lục địa già còn chia rẽ, thậm chí “cãi cự” lẫn nhau trong cuộc khủng hoảng người di cư. Các nước đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp, Anh có cách tiếp cận “mềm mỏng” hơn cả, kêu gọi các nước thành viên chung tay, nỗ lực hơn trước làn sóng người di cư đổ bộ vào châu lục. Thủ tướng Anh David Cameron nhiều khả năng sẽ sớm công bố kế hoạch chấp nhận số lượng người di cư ở mức lớn hơn, “đón” họ trực tiếp từ các trại tị nạn của Liên hợp quốc ở Syria. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu đề xuất thực hiện “quota bắt buộc” đối với các thành viên EU trong tiếp nhận người di cư.
Liệu châu Âu có thức tỉnh sau những bi kịch đầy ám ảnh của người di cư Syria? Ảnh: Reuters |
Thế nhưng một số nước Đông Âu còn tỏ ra khá cứng rắn. Ngày hôm nay (4/9), đại diện các nước thuộc Nhóm Visegrad gồm có Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech (Séc) và Ba Lan có cuộc gặp ở thủ đô Praha để thảo luận về các biện pháp đối phó với dòng người di cư ở cấp độ “chưa từng thấy” và điều phối quan điểm của cả nhóm trước EU. Phiên thảo luận diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người di cư hiện bị “ách” tại thủ đô Budapest sau khi Hungary không cho phép họ vượt biên giới sang Áo hay Đức. Chính quyền của Thủ tướng Viktor Orban còn hoàn tất việc xây tường rào dây thép gai dọc tuyến biên giới với Serbia, cảnh báo sẽ triển khai khoảng 3.500 binh sĩ để ngăn không cho người di cư đổ bộ vào Hungary. Cộng hòa Czech, nước yêu cầu EU phải phân biệt rõ người “di cư vì lý do kinh tế” với “người tị nạn vì xung đột” cùng với Slovakia – nước không chấp nhận người đến từ các quốc gia Hồi giáo, sẽ cùng có cuộc bàn thảo với Ba Lan để điều phối quan điểm.
Cuộc họp của Nhóm Visegrad diễn ra đồng thời với cuộc gặp của các ngoại trưởng EU ở Luxembourg. Các bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận về các “quốc gia gốc” và quốc gia trung chuyển người tị nạn. Theo đó, có thể sẽ thay đổi những điều khoản của Hiệp ước Dublin của EU về người tị nạn, bỏ điều khoản trục xuất người tị nạn về nước đăng ký ban đầu.