Theo kênh CNN, tàu container Ever Given khổng lồ đã mắc cạn trên kênh đào Suez nhiều ngày qua. Con tàu đã làm tắc nghẽn tuyến đường biển quan trọng và đông đúc bậc nhất thế giới. Giới chức quản lý kênh đào Suez phải nỗ lực hết sức trong công tác giải cứu.
Theo công ty chịu trách nhiệm giải cứu tàu, Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), nỗ lực mới nhất đã không thành công. Họ cho biết sẽ điều thêm thiết bị để hỗ trợ. Hải quân Mỹ cũng sẽ giúp giải cứu tàu trong cuối tuần.
BSM nói: “Trọng tâm bây giờ là nạo vét để múc bùn và cát quanh mũi tàu bị mắc kẹt". BSM cho biết sẽ có máy hút bùn đặc biệt được sử dụng để hút 2.000 mét khối cát và bùn quanh con tàu mỗi giờ.
Các máy bơm công suất cao cũng có thể được sử dụng để giảm mực nước quanh các phần của con tàu 224.000 tấn, dài 400m, rộng 59m này.
Theo giới chức quản lý kênh đào, muốn giải phóng con tàu container khổng lồ, cần phải hút tới 20.000 mét khối cát trong kênh đào mới có thể đạt độ sâu 12-16 mét để tàu nổi lên được. Khối lượng cát này tương đương 8 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Tàu Ever Given thuộc sở hữu của công ty tàu biển Nhật Bản Shoei Kisen KK. Chủ tàu hy vọng có thể giải cứu tàu đêm 27/3 (giờ Nhật Bản). Trước đó, các chuyên gia cho rằng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần mới cứu được tàu Ever Given.
Hiện nay, con tàu vẫn trong tình trạng tốt, không bị hư hỏng. Nhưng mỗi ngày trôi qua, các công ty và quốc gia có hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez đều phải tốn nhiều chi phí phát sinh.
Khoảng 12% khối lượng hàng hóa thương mại thế giới đi qua kênh đào Suez. Mỗi ngày, kênh đào này đón lượng hàng hóa trị giá 10 tỷ USD.
Tàu container mắc kẹt có thể gây thiệt hại cho thế giới đáng kể. Sự cố với tàu Ever Given xảy ra đúng vào thời điểm cực kỳ khó khăn với các chuỗi cung toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ hoạt động tàu biển toàn cầu, khiến nhiều container rộng mắc kẹt ở những nơi không cần tới. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô đang vội vã giải quyết tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang khiến nhiều nhà máy ở nhiều nước phải đóng cửa.
Theo tính toán của công ty tin tức và dữ liệu vận tải biển Lloyd, vụ tàu mắc kẹt đang khiến mỗi giờ có hàng hoá trị giá 400 triệu USD bị ách lại. Ước tính lưu lượng hàng hoá phía tây kênh đào Suez trị giá 5,1 tỷ USD/ngày, phía đông trị giá 4,5 tỷ USD/ngày.
Theo Allianz, nhà bảo hiểm tàu biển hàng đầu, các tàu thuyền sẽ chịu thêm chi phí lâu dài và tốn kém nếu kênh đào Suez không sớm được khai thông. Chuyển hướng tàu sang Mũi Hảo vọng ở phía nam châu Phi sẽ khiến tàu thuyền mất thêm 2 tuần nữa.
Sự số tàu Ever Given mắc kẹt còn khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu thêm mất ổn định. Thị trường này vốn đã chịu áp lực gần đây khi các nhà đầu tư tính toán cung và cầu cho giai đoạn tiếp theo trong đại dịch.
Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập ngày 25/3 ra thông báo tạm thời đình chỉ giao thông tại Kênh đào Suez giải cứu tàu Ever Given, một quyết định được đưa ra sau khi giới chức quản lý nhận thấy rằng các nỗ lực giải tỏa mắc kẹt tốn nhiều thời gian hơn so với dự tính trước đó.