Theo kênh CNN, sự cố với tàu Ever Given xảy ra đúng vào thời điểm cực kỳ khó khăn với các chuỗi cung toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ hoạt động tàu biển toàn cầu, khiến nhiều container rộng mắc kẹt ở những nơi không cần tới. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô đang vội vã giải quyết tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang khiến nhiều nhà máy ở nhiều nước phải đóng cửa.
Theo tính toán của công ty tin tức và dữ liệu vận tải biển Lloyd, vụ tàu mắc kẹt đang khiến mỗi giờ có hàng hoá trị giá 400 triệu USD bị ách lại. Ước tính lưu lượng hàng hoá phía tây kênh đào Suez trị giá 5,1 tỷ USD/ngày, phía đông trị giá 4,5 tỷ USD/ngày.
Theo Allianz, nhà bảo hiểm tàu biển hàng đầu, các tàu thuyền sẽ chịu thêm chi phí lâu dài và tốn kém nếu kênh đào Suez không sớm được khai thông. Chuyển hướng tàu sang Mũi Hảo vọng ở phía nam châu Phi sẽ khiến tàu thuyền mất thêm 2 tuần nữa.
Công ty tàu biển Đan Mạch Maersk cho biết có 7 tàu biển bị ảnh hưởng. Bốn tàu đã ở trong hệ thống kênh đào Suez và ba chiếc nữa đang chờ vào kênh. Công ty nói trong một tuyên bố: “Sự cố tiếp tục tạo ra tình trạng tắc nghẽn dài ở khu vực này, ngăn tàu qua lại, gây ra trì hoãn”.
Sự số tàu Ever Given mắc kẹt còn khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu thêm mất ổn định. Thị trường này vốn đã chịu áp lực gần đây khi các nhà đầu tư tính toán cung và cầu cho giai đoạn tiếp theo trong đại dịch.
Giá dầu thô Brent giao sau đã tăng gần 6% ngày 24/3 khi các thương nhân đánh giá tác động của sự cố trên kênh đào. Giá dầu lại giảm tiếp ngày 25/3.
Trong lưu ý gửi khách hàng, ngân hàng Đức Commerzbank cho biết 10 tàu chở dầu chở 13 triệu thùng dầu thô đang kẹt ở kênh đào Suez. Commerzbank nói: “Con số này tương đương lượng dầu mà hai nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC là Saudi Arabia và Iraq sản xuất trong một ngày”.
Tàu Ever Given, dài 400m, rộng 59m, tải trọng 224.000 tấn đã bị kẹt trên kênh Suez từ sáng 23/3. 8 tàu kéo, trong đó có một tàu 160 tấn, hoạt động liên tục, nỗ lực lai dắt tàu Ever Given khỏi điểm mắc kẹt, nhưng gần như không có hiệu quả.
Peter Berdowski, Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty Hà Lan được Ai Cập thuê để giải cứu tàu, cho biết chiến lược dùng tàu kéo lai dắt không hiệu quả. “Nói một cách dân dã, tình cảnh hiện nay giống như một cá voi siêu to mắc kẹt trên bãi biển. Với trọng lượng lớn như hiện tại, không thể kéo, di dời tàu Ever Given. Chúng ta có thể quên giải pháp này”, ông Berdowski nêu quan điểm.
Theo Berdowski, một giải pháp khác sẽ là hạ tải lượng nước và dầu từ tàu để giảm tải trọng tàu Ever Given; thậm chí là phải dỡ bớt container xuống. Từ đây mới kết hợp hoạt động lai dắt, nạo bùn, cát dưới lòng sông, thông luồng để giải cứu tàu hàng. Thế nhưng việc làm này có thể phải mất nhiều tuần mới xong.
Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập ngày 25/3 ra thông báo tạm thời đình chỉ giao thông tại Kênh đào Suez giải cứu tàu Ever Given, một quyết định được đưa ra sau khi giới chức quản lý nhận thấy rằng các nỗ lực giải tỏa mắc kẹt tốn nhiều thời gian hơn so với dự tính trước đó.
Kênh đào Suez được đưa vào khai thác năm 1896, được nâng cấp, mở rộng năm 2015. Năm 2021, có 18.829 tàu hàng qua lại hai chiều qua kênh đào này. Đây được xem là tuyến hàng hải huyết mạch, chuyên chở 30% hàng hóa container, 12% tổng giao thương hàng hóa toàn cầu. Trung bình, mỗi ngày kênh đào tiếp nhận lượng hàng hóa qua lại từ 8-10 tỉ USD.
Trong 24 giờ qua, tàu Ever Given gần như không dịch chuyển vị trí so với thời điểm bắt đầu mắc kẹt. Tàu hiện có 870.000 tấn dầu thô và khoảng 670.000 dầu thành phẩm với các mặt hàng như xăng, naphta, dầu diesel.