Theo kênh CNN (Mỹ), cơ sở dữ liệu này sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/7 tại thành phố Yiwu, tỉnh Chiết Giang. Hệ thống này sẽ do Hiệp hội Phụ nữ Trung Quốc (ACWF) – một tổ chức chính phủ có sức ảnh hưởng lớn – hỗ trợ điều hành. Trong một tuyên bố vào đầu tuần, tổ chức ACWF cho biết cơ sở dữ liệu sẽ “ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình”.
Hệ thống cho phép người truy cập tìm thông tin liên quan đến bạo lực gia đình, từ các quy định bảo vệ an toàn cá nhân cho đến tiền sử bạo lực của bạn đời nếu có.
“Phần lớn các trường hợp mọi người không phát hiện ra bạn đời của mình có tính cách bạo lực cho đến khi lấy nhau về. Hệ thống mới cho phép các cặp đôi sắp cưới biết được đối phương còn lại có tiền sử bạo lực gia đình hay không”, Zhou Danying – Phó Chủ tịch văn phòng ACWF tại Yiwu – cho hay.
Bạo lực gia đình luôn là một vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Trước năm 2001, bạo lực gia đình không được coi là nguyên nhân để một cặp đôi đệ đơn ly dị. Và đến tận năm 2015, Trung Quốc mới thông qua luật quy định tấn công bạn đời là tội hình sự.
Tuy nhiên, việc thực thi luật vẫn còn thiếu nhất quán. Trong một báo cáo năm 2018, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết tòa án thường xuyên bỏ qua lỗi lầm của những kẻ lạm dụng bạo lực trong gia đình, khuyến khích các nạn nhân chấp nhận “hòa giải” với đối phương tấn công họ. Một sửa đổi luật dân sự gần đây quy định hai vợ chồng có khoảng thời gian 30 ngày “làm lành” trước khi tiến tới ly hôn. Một tòa án tại tỉnh Quảng Tây trong năm 2017 từng tuyên bố “chúng tôi đã cứu vãn hôn nhân cho một cặp vợ chồng có thể hòa giải” sau khi từ chối đơn xin ly hôn do người vợ nộp, trong đó cô tố cáo người chồng “kề dao bếp vào cổ cô trước mặt con”.
Bà Zhou cho biết những lần tòa án bỏ qua lỗi của kẻ phạm tội và khuyến khích hòa giải có thể dẫn tới hệ thống dữ liệu mới sót thông tin.
“Hệ thống dữ liệu hiện tại chỉ ghi nhận tiền sử bạo lực gia đình từ những kênh chính thống. Song trên thực tế, những thông tin đó rất khó để thu thập đủ”, Zheng Shiyin – một chuyên gia về vấn đề giới tính – trả lời tạp chí Sixth Tone.
Bên cạnh vẫn đề chưa đủ thông tin, hệ thống dữ liệu mới còn khiến nhiều người lo ngại về quyền riêng tư. Để giải quyết nỗi lo này, ACWF cho biết những người truy cập muốn xem thông tin phải cung cấp số căn cước, bằng chứng về việc kết hôn và cam kết giữ bí mật nội dung.
Việc triển khai hệ thống dữ liệu mới diễn ra trong bối cảnh tình trạng bạo lực gia đình tại Trung Quốc gia tăng vào thời kỳ phong tỏa vì dịch bệnh COVID-19. Liên hợp quốc cảnh báo các lệnh giãn cách xã hội và cấm ra ngoài có thể khiến các nạn nhân trong những vụ bạo lực gia đình mắc kẹt trong nhà và khó tìm nơi giúp đỡ.