Theo báo cáo trên, trong năm 2017, trên toàn thế giới có khoảng 87.000 phụ nữ bị sát hại. Trong số này, khoảng 50.000 người đã bị chính người chồng hiện tại, chồng cũ hoặc các thành viên khác trong gia đình sát hại. Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong những năm qua, hầu như không có tiến bộ nào đáng kể trong việc bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình. Số lượng phụ nữ bị sát hại thậm chí còn tăng từ 48.000 năm 2012 lên 50.000 năm 2017.
Theo báo cáo của UNODC, châu Á là nơi có nhiều phụ nữ bị sát hại trong gia đình nhất, với 20.000 trường hợp trong năm 2017. Tiếp đến là châu Phi, 19.000 trường hợp; châu Mỹ 8.000 trường hợp; châu Âu, 3.000 trường hợp và châu Đại Dương 300 trường hợp. Nếu tính tỉ lệ phụ nữ bị sát hại trên tổng dân số thì châu Phi là nơi nguy hiểm nhất với phụ nữ, trong khi châu Âu là nơi an toàn nhất. Một nghiên cứu của Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc về tình trạng bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới được công bố hồi tháng 6 vừa qua cũng cho ra kết quả tương tự với kết luận, ngôi nhà là một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ.
Các nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy tình trạng tồi tệ của bạo lực gia đình mà nạn nhân chính là những người phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng này bắt nguồn từ quan niệm cố hữu của những người đàn ông tại nhiều khu vực trên thế giới, rằng họ là người có quyền lực tuyệt đối trong gia đình và có quyền thống trị đối với người vợ của họ. Khoảng 3 tỷ phụ nữ đang sinh sống tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi các hành vi bạo lực tình dục, cưỡng bức, lạm dụng tình dục trong hôn nhân không bị pháp luật ngăn cấm. Thậm chí ở 19 quốc gia trong số này, luật pháp còn quy định rõ ràng về việc phụ nữ phải phục tùng người chồng của họ.