Theo nguồn tin trên, quyết định của EC được đưa ra sau khi Liên hợp quốc (LHQ) công bố báo cáo điều tra cho thấy tình trạng trộm cắp, bòn rút và sử dụng sai mục đích các khoản tiền viện trợ vốn được sử dụng nhằm đẩy lùi nạn đói tại Somalia. Cụ thể, điều tra của LHQ cho thấy các chủ sở hữu đất, các chính quyền địa phương, thành viên của các lực lượng an ninh và các nhân viên nhân đạo đều dính líu đến việc bòn rút hàng hóa và tiền viện trợ dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Theo các quan chức này, viện trợ sẽ được khôi phục sau khi WFP đáp ứng các điều kiện bổ sung, bao gồm việc giám sát chặt chẽ các đối tác trên thực địa ở Somalia.
Trong khi đó, một quan chức khác của EU cho biết EC đang "tích cực phối hợp với WFP để giải quyết các sai phạm mang tính hệ thống", nhưng không có khoản viện trợ nào bị đình chỉ trong giai đoạn này.
Về phần mình, người phát ngôn của EC Balazs Ujvari nêu rõ cho đến nay EU vẫn chưa được các đối tác trong LHQ thông báo mức độ ảnh hưởng về mặt tài chính đối với các dự án do EU tài trợ. Ông Ujvari nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và tuân thủ theo cách tiếp cận không khoan nhượng đối với hành vi gian lận, tham nhũng hoặc hành vi sai trái".
Trước đó cùng ngày, Văn phòng Quản lý thảm họa Somalia, cơ quan điều phối hoạt động nhân đạo của chính phủ, cho biết chính quyền Somalia cam kết điều tra các phát hiện trong báo cáo của LHQ, đồng thời lưu ý rằng các hệ thống phân phối viện trợ hiện nay hoạt động "bên ngoài các kênh của chính phủ".
Theo dữ liệu của LHQ, trong năm ngoái, EC đã tài trợ hơn 7 triệu USD cho các hoạt động của WFP ở Somalia, chiếm một phần nhỏ trong tổng số tiền quyên góp hơn 1 tỷ USD mà tổ chức này đã nhận được. Các nước thành viên EU cũng tài trợ trên cơ sở song phương.
Kể từ khi phát hiện hành vi trộm cắp viện trợ tại Somalia trong nạn đói hồi năm 2011, các tổ chức nhân đạo đã chuyển phần lớn các khoản viện trợ của họ sang hình thức chuyển tiền mặt cho những cá nhân cần hỗ trợ. Một số quan chức cho rằng hình thức này ít bị tham nhũng hơn. Tuy nhiên, báo cáo điều tra trên của LHQ cho thấy khả năng viện trợ bằng tiền mặt cũng có thể bị "ăn chặn".
Các ngân sách viện trợ trên toàn cầu hiện đang rơi vào tình trạng khó khăn. LHQ ước tính cần 2,6 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo ở Somalia trong năm nay, nhưng đến nay mới chỉ 36% trong tổng số tiền này được đáp ứng.