Tổng thống Joko Widodo cho rằng vị trí lý tưởng nhất cho thủ đô mới là một phần của quận Penajam Paser Utara và một phần của quận Kutai Kertanegara ở tỉnh Đông Kalimantan. Kalimantan là hòn đảo lớn nhất châu Á và lớn thứ 3 thế giới, với những điều kiện địa chất, tự nhiên, khí hậu… được đánh giá là phù hợp với thủ đô mới của Indoensia.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS), ông Philip Vermonte, nhận định trong một thời gian dài, kế hoạch này chưa được triển khai và bây giờ lại được đưa ra với những phương án cụ thể của Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bapenas). Ông nhận định nên tiếp tục triển khai kế hoạch trên, song điều này không chỉ phục thuộc vào nguồn ngân sách, mà cũng cần tính đến các yếu tố chính trị, xã hội, văn hóa, khảo sát các thông số liên quan như dân số, điều kiện tự nhiên.
Do đó, quá trình lập kế hoạch và thực hiện không thể chỉ khoảng trong 5-10 năm. Theo ông Vermonte, Indonesia không chỉ được biết đến với địa danh Jakarta, mà các khu vực khác cũng có tiềm năng nội trội như vậy.
Nhiều người dân Jakarta cho biết việc chuyển thủ đô đến Kalimantan sẽ tốt hơn vì Jakarta đã bị quá tải. Chính phủ có thể quy hoạch mới từ đầu, Kalimantan cũng tập trung nhiều lực lượng lao động và họ sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm mà không phải rời quê hương, không phải xa gia đình. Hiện Kalimantan vẫn còn thưa dân và sẽ có nhiều người chuyển đến đây làm việc, giảm tải gánh nặng về dân số cho Jakarta.
Trong kế hoạch di dời thủ đô, Indonesia đã quy hoạch 180.000 hécta đất tại tỉnh Đông Kalimantan dành để xây dựng thủ đô mới và dự kiến sẽ có ít nhất 1,5 triệu công chức sẽ chuyển đến đây, trong khi dân số hiện tại của khu vực này là 900.000 người. Ước tính, tổng thể kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (gần 33 tỷ USD), trong đó 19% là nguồn ngân sách từ chính phủ, số còn lại sẽ được huy động đầu tư từ các đối tác trong khu vực công và tư nhân.
Một lo ngại được đặt ra cho quá trình chuyển thủ đô là vấn đề môi trường. Giới chuyên gia về môi trường ở Indonesia lo ngại nhiều diện tích rừng nguyên sinh và các vùng đất than bùn ở Kalimantan sẽ bị phá hủy, nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng và các công trình phục vụ chính phủ. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng cần có đánh giá tác động đến môi trường cũng như đề xuất các biện pháp thích nghi và làm giảm nhẹ tác động tiêu cực.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra cam kết đảm bảo sự phát triển của thành phố thủ đô mới sẽ không gây ra những tác động lớn đến môi trường và khẳng định rừng Đông Kalimantan sẽ vẫn được bảo vệ nguyên vẹn.