Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Widodo nêu rõ: "Dự án khổng lồ này cần phải nhanh chóng được triển khai để bảo vệ Jakarta không bị chìm dưới biển". Theo ông Widodo, đã đến lúc cần triển khai dự án được bắt đầu xem xét từ cách đây 10 năm này để bảo vệ thủ đô Jakarta.
Mực nước biển tại các đại dương trên thế giới đã tăng lên do sự biến đổi khí hậu và việc khí hậu Trái Đất nóng lên, gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại các vùng duyên hải. Jakarta là một trong những thành phố có tốc độ bị chìm xuống biển nhanh nhất thế giới do sự gia tăng mực nước biển.
Theo hãng tin AP, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm và sự dụng nguồn nước này với mục đích thương mại là nguyên nhân chủ yếu khiến cho Jakarta bị lún xuống biển với tốc độ nhanh chóng. Ngoài ra, việc các tòa nhà cao tầng ở Jakarta có trọng lượng quá lớn cũng là một trong những lý do khiến cho tình trạng trên trở nên trầm trọng hơn.
Jakarta rất dễ bị ngập lụt, đặc biệt là vào mùa mưa. Hồi đầu năm 2007, thành phố này đã phải hứng chịu một trận lũ lớn, làm khoảng 80 người thiệt mạng và 500.000 người phải bỏ nhà cửa để đi lánh nạn. Hiện gần một nửa diện tích của Jakarta đã nằm dưới mực nước biển. Theo người đứng đầu nhóm chuyên gia nghiên cứu về tình trạng sụt lún của thủ đô Jakarta, ông Heri Andreas thuộc Viện Công nghệ Bandung, những mô hình nghiên cứu của nhóm chuyên gia này đã cho thấy khoảng 95% diện tích khu vực phía Bắc Jakarta sẽ bị chìm xuống biển vào năm 2050.