Kazakhstan bắt chuyên gia mạng Nga bị Mỹ truy nã

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Nga và Mỹ liên quan đến cáo buộc tin tặc Nga bị bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ tại các nước thứ ba.

Chú thích ảnh
Mỹ đã cáo buộc một chuyên gia mạng người Nga mua bán dữ liệu cá nhân. Ảnh: Euractiv

Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 29/6, các nhà chức trách ở Kazakhstan đã bắt giữ một chuyên gia an ninh mạng người Nga bị Mỹ truy nã, trong khi Moskva tìm cách ngăn chặn việc dẫn độ đối tượng này sang Mỹ.

Đối tượng bị bắt giữ là Nikita Kislitsin, một nhân viên của công ty an ninh mạng FACCT của Nga, đã bị bắt giữ vào ngày 22/6 và chính quyền Kazakhstan đang xem xét yêu cầu dẫn độ của Washington, công ty FACCT, nơi ông Kislitsin hiện đang làm việc, cho biết trong một tuyên bố.

Mỹ đã cáo buộc Nikita Kislitsin mua bán dữ liệu cá nhân thu được thông qua vụ “hack” hơn 117 triệu tài khoản người dùng trên Linkdedin và hơn 68 triệu người dùng từ Dropbox, Formspring năm 2012.

Nga đã phản đối việc giam giữ, kêu gọi Kazakhstan không thực hiện yêu cầu của Mỹ. Yevgeny Bobrov, một nhà ngoại giao Nga tại Kazakhstan, được truyền thông Nga dẫn lời vào ngày 28/6 nói rằng phái đoàn ngoại giao Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Kazakhstan, kêu gọi cơ quan này không ngay lập tức tiến hành dẫn độ.

Công hàm của phía Nga đề nghị cung cấp đầy đủ chi tiết về việc giam giữ Kislitsin, cho phép các nhà ngoại giao Nga tiếp cận đối tượng này và không dẫn độ công dân Nga sang Mỹ một cách nhanh chóng, các hãng thông tấn TASS và RIA Novosti của Nga cho biết.

Trong khi đó, Nga cũng đưa ra yêu cầu dẫn độ của riêng mình sau khi bất ngờ khởi tố vụ án hình sự nhằm vào Kislitsin. Tòa án quận Tver ở Moskva cho biết họ đã ban hành lệnh bắt giữ Kislitsin liên quan đến cuộc điều tra truy cập trái phép dữ liệu máy tính ở Nga, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ gửi yêu cầu pháp lý để dẫn độ Kislitsin từ Kazakhstan sang Nga.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Washington và Moskva liên quan đến cáo buộc tin tặc Nga bị bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ tại các nước thứ ba.

Mỹ trong thập kỷ qua đã dẫn độ thành công hàng chục công dân Nga bị cáo buộc là tội phạm mạng từ các nước thứ ba, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, khiến Moskva chỉ trích Washington “tìm cách săn lùng” người Nga.

Việc dẫn độ Kislitsin có thể khó khăn hơn các trường hợp khác vì mối quan hệ chặt chẽ của Nga với nước láng giềng Kazakhstan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

William Courtney, cựu Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan giai đoạn 1992-1995 và là nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Rand Corp có trụ sở ở Washington, cho biết: “Nếu Kazakhstan muốn thận trọng, họ có thể trì hoãn việc dẫn độ” để xem mọi thứ diễn ra như thế nào ở Nga. Kazakhstan phải quản lý rủi ro của họ”.

Kislitsin, một chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng vào đầu những năm 2010, đã bị FBI thẩm vấn ở Moskva gần một thập kỷ trước như một phần của cuộc điều tra về vụ hack một số công ty có trụ sở tại Mỹ, bao gồm LinkedIn, Dropbox và Formspring. Sau đó, ông này bị cáo buộc mua bán dữ liệu cá nhân từ vụ hack Formspring.

Các nhà điều tra ở Mỹ cho biết Kislitsin và các cộng sự đã đánh cắp dữ liệu cá nhân và mật khẩu của hơn 110 triệu người và cung cấp chúng cho những người mua tiềm năng.

Công ty hiện tại của ông Kislitsin, FACCT, đã xác nhận vào ngày 28/6 rằng ông này đang bị giam giữ tạm thời ở Kazakhstan theo yêu cầu của Mỹ. 

“Theo thông tin chúng tôi có được, những cáo buộc nhằm vào Kislitsin không liên quan đến công việc của ông ấy tại FACCT, mà liên quan đến một vụ án cách đây hơn 10 năm, khi ông ấy làm việc với tư cách là một nhà báo và nhà nghiên cứu độc lập”, FACCT cho biết trong một tuyên bố. FACCT cũng phản đối việc giam giữ ông Kislitsin ở Kazakhstan, nói rằng không có cơ sở pháp lý nào cho hành động đó.

Yevgeny Nikulin, người đứng đầu vụ hack các công ty Mỹ và là người quen của Kislitsin, đã bị dẫn độ về Mỹ từ CH Séc vào năm 2018 sau đó bị kết án hơn 7 năm tù. Nikulin đã ra tù vào đầu năm nay và bị trục xuất trở lại Nga.

Trước khi bị Mỹ buộc tội, Kislitsin vào năm 2013 đã gia nhập Group-IB, một trong những công ty an ninh mạng nổi tiếng nhất của Nga. Group-IB đã được quốc tế công nhận trong những năm qua, ký thỏa thuận với Interpol vào năm 2017 để trở thành đối tác chính thức thuộc khu vực tư nhân của tổ chức chống tội phạm quốc tế.

Công Thuận/Báo Tin tức
Động lực hợp tác mới giữa EU và Kazakhstan
Động lực hợp tác mới giữa EU và Kazakhstan

Với tiềm năng nông nghiệp tự nhiên, môi trường đầu tư lành mạnh và các biện pháp chưa từng có của chính phủ, Kazakhstan có thể trở thành đối tác đáng tin cậy của EU trong việc tăng cường an ninh lương thực toàn cầu và khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN