Dự thảo ngân sách sửa đổi đã được trình Hạ viện ngày 27/12, sau khi chính phủ đạt thỏa thuận vào phút chót với Ủy ban châu Âu (EC) nhằm tránh phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Các nghị sĩ đối lập nói rằng họ không có thời gian để thảo luận dự thảo trên và cuộc họp đã phải tạm ngừng sau khi một nghị sĩ đảng Dân chủ cánh tả (PD) ném tài liệu trên vào một thứ trưởng. Trước đó, đảng PD đã kiện lên Tòa án Hiến pháp, nói rằng các quyền dân chủ đã bị vi phạm vì các nhà lập pháp không có thời gian để thảo luận hay sửa đổi dự thảo ngân sách sau khi có những thay đổi mà Rome đã thỏa thuận với EC.
Dự kiến trong ngày 29 hoặc 30/12, chính phủ của Thủ tướng Conte sẽ kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện về phê chuẩn dự thảo ngân sách trên, nhằm tránh rơi vào tình trạng khẩn cấp về ngân sách sau khi kết thúc năm 2018.
Trước đó, Italy đã phải sửa đổi dự thảo ngân sách và giảm mục tiêu thâm hụt năm 2019 xuống còn 2,04% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sau khi EC bác bỏ mục tiêu ban đầu là 2,4% với lý do vi phạm quy định về thuế của EU. Thủ tướng Conte gọi bản dự thảo ngân sách này là "bước đầu tiên trong một kế hoạch cải cách lớn và đầy tham vọng, có thể thay đổi Italy từ bên trong, giống như một cú sốc" và cuối cùng thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế "ngái ngủ" kinh niên của "đất nước hình chiếc ủng".
Ngày 23/12, Thượng viện đã thông qua dự thảo ngân sách sửa đổi trên với 167 phiếu ủng hộ và 78 phiếu phản đối. Bản dự thảo này cần được Hạ viện thông qua trước khi hết năm nay để có thể có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
Vấn đề ngân sách đã trở thành chủ đề gây căng thẳng giữa EU và chính phủ theo chủ nghĩa dân túy ở Italy từ hồi cuối tháng 9 vừa qua. EU kêu gọi các quốc gia trong khối siết chặt chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách. Về phần mình, Italy đã nhiều lần kêu gọi EU linh hoạt hơn đối với kế hoạch ngân sách do nước này phải chi nhiều tiền để khắc phục hậu quả đợt thiên tai mới đây, cũng như vụ sập cầu tại Genoa.