Iraq tìm cách trục xuất lực lượng liên quân

Thủ tướng Iraq cam kết sẽ khởi động quá trình trục xuất lực lượng liên minh quốc tế khỏi Iraq, sau cuộc không kích ám sát mới nhất của Mỹ ở Bahgdad.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ nổ gần nghĩa trang ở thành phố Kerman, Iran, ngày 3/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài RT, Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani đã cam kết sẽ khởi động quá trình trục xuất lực lượng liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu khỏi Iraq, sau khi cuộc không kích của Mỹ giết chết một chỉ huy dân quân cấp cao ở Baghdad gần đúng 4 năm sau vụ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani.

Cuộc không kích của Mỹ hôm 5/1 đã nhắm vào trụ sở của Lực lượng Huy động Nhân dân, một tổ chức được nhà nước Iraq bảo trợ gồm hàng chục phe phái vũ trang. Ít nhất hai người thiệt mạng trong vụ tấn công, trong đó có Mushtaq Taleb al-Saidi, thủ lĩnh của Harakat Hezbollah al-Nujaba (HHN), nhóm mà Washington coi là tổ chức khủng bố được Iran hậu thuẫn.

Thủ tướng Iraq tuyên bố ngày 5/1: “Lực lượng Huy động Nhân dân đại diện cho sự hiện diện chính thức liên kết với nhà nước, và là một phần không thể thiếu trong lực lượng vũ trang của chúng tôi. Chúng tôi lên án các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng an ninh của chúng tôi, những cuộc tấn công này vượt xa tinh thần và nội dung của sự uỷ quyền đã tạo ra liên minh quốc tế [tại Iraq].”

Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng chính Baghdad đã mời lực lượng Mỹ giúp chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ vẫn ở lại nước này một thập kỷ. Họ được tự do hành động “tự vệ”. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder đã bảo vệ cuộc tấn công ngày 4/1 là một “hành động cần thiết, tương xứng” trong bối cảnh xuất hiện làn sóng tấn công vào các cơ sở quân sự của Mỹ trong khu vực.

Trong khi đó, Baghdad lập luận rằng đã đến lúc xem xét lại các điều khoản của lời mời quân đội Mỹ hiện diện ở Iraq, với việc Thủ tướng al-Sudani cam kết sẽ “bắt đầu cuộc đối thoại thông qua ủy ban song phương được thành lập để xác định các thỏa thuận cho việc chấm dứt sự hiện diện này”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi khẳng định quan điểm nguyên tắc của mình trong việc chấm dứt sự tồn tại của liên minh quốc tế sau khi các lý do biện minh cho sự tồn tại của liên minh này chấm dứt”, đồng thời nhấn mạnh rằng Baghdad đang tìm cách khôi phục toàn bộ “chủ quyền quốc gia đối với đất, bầu trời và vùng biển của Iraq”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani. Ảnh: Getty Images

Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, cũng như các cơ sở ở nước láng giềng Syria, đã bị tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa tới trên 110 lần kể từ tháng 10/2023, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực bắt nguồn từ cuộc chiến của Israel ở Gaza. Trong khi các cuộc tấn công hầu hết được thực hiện bởi các bên không xác định, Washington cáo buộc Tehran giật dây đằng sau hậu trường và nói rằng họ có quyền trả đũa nếu thấy phù hợp.

“Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng trong trường hợp có sự vi phạm hoặc vi phạm của bất kỳ bên nào ở Iraq hoặc nếu luật pháp của Iraq bị vi phạm, chính phủ Iraq là bên duy nhất có quyền theo dõi về giá trị của những vi phạm này”, Thủ tướng Iraq lập luận. Ông cáo buộc Washington thường xuyên vi phạm chủ quyền của Iraq, đồng thời nhắc lại một “hành động tàn ác” khác mà chính quyền Mỹ đã thực hiện 4 năm trước.

Khi đó, Tướng Qassem Soleimani, một nhân vật được kính trọng ở Iran, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủy quyền tại Baghdad, Iraq vào ngày 3/1/2020. Thời điểm đó, Washington tuyên bố rằng Tướng Soleimani đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công “sắp xảy ra” vào lực lượng Mỹ .

Đúng ngày kỷ niệm 4 năm cái chết của ông, hôm 3/1, hai vụ nổ đã xé nát khu vực đài tưởng niệm ở Iran khiến gần 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Những kẻ khủng bố IS đã nhanh chóng nhận trách nhiệm về hành động tàn bạo này trong một bài đăng trên Telegram, trong khi Mỹ khẳng định rằng Washington không đóng vai trò gì trong vụ đánh bom kép đó.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Vụ IS tấn công khủng bố ở Iran sẽ tái định hình khủng hoảng Trung Đông như thế nào
Vụ IS tấn công khủng bố ở Iran sẽ tái định hình khủng hoảng Trung Đông như thế nào

Vụ nổ mạnh đã giết chết 84 người và làm 211 người bị thương vào ngày 3/1, khiến các nhà quan sát đặt ra câu hỏi, liệu nó có thể định hình các vấn đề Trung Đông như thế nào trong tương lai gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN