Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết nêu rõ: "Tehran vẫn tham gia thỏa thuận... Những tuyên bố của các cường quốc châu Âu về Iran vi phạm thỏa thuận là vô căn cứ".
Ông nhấn mạnh việc Tehran có tiếp tục giảm thêm các cam kết hạt nhân hay không còn tùy thuộc vào hành động của các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), cũng như việc liệu những lợi ích của Iran có được đảm bảo theo thỏa thuận hay không.
Trước đó, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hối thúc các bên liên quan đàm phán về một thỏa thuận mới nhằm tăng cường hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chỉ trích các nước EU "phục tùng" dưới sức ép của Mỹ đối với Iran và loại trừ mọi khả năng đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.
Ông Zarif khẳng định: "Anh, Pháp và Đức, ba bên tham gia thỏa thuận, nói rằng châu Âu tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong JCPOA, tuy nhiên, trên thực tế, họ không nhập khẩu dầu mỏ của Iran và không tạo điều kiện cho các hoạt động ngân hàng quốc tế của Iran".
Theo JCPOA, Iran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, thỏa thuận dần suy yếu sau khi Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran từ tháng 5/2018.
Một năm sau, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục leo thang sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad khiến một Tư lệnh cao cấp của Iran Qasem Soleimani thiệt mạng. Tehran ngay sau đó đã đáp trả bằng cuộc tập kích tên lửa vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq.