Tờ Al-Hadath của Saudi Arabia tuyên bố rằng 19 trường hợp tử vong xảy ra ở tỉnh Deir Ezzor ở miền đông Syria và thêm 150 thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị thương. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ báo cáo này.
Một bức ảnh chụp vào ngày 18/9/2024, tại vùng ngoại ô phía nam Beirut cho thấy phần còn lại của những chiếc máy nhắn tin phát nổ được trưng bày tại một địa điểm không xác định. Những chiếc máy nhắn tin này được Hezbollah sử dụng và vụ tấn công này bị đổ lỗi cho Israel. (Ảnh của AFP)
Tuy nhiên, ngày 18/9, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phủ nhận báo cáo rằng loạt vụ nổ máy nhắn tin kinh hoàng hôm 17/9 ở Liban cũng đã giết chết 19 thành viên của lực lượng này ở Syria.
Hãng thông tấn Mizan của Iran dẫn tuyên bố của IRGC cho biết không có thành viên nào của họ "tử vì đạo trong vụ việc máy nhắn tin" và rằng bất kỳ báo cáo nào tuyên bố như vậy đều là "sai sự thật".
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Liban Firass Abiad cho biết có 12 người đã thiệt mạng ở đất nước của ông (tăng so với con số công bố ban đầu là 9 người) và từ 2.750 đến 2.800 người khác bị thương.
Ông Abiad cho biết "cuộc tấn công rất lớn" khiến khoảng 2.800 người bị thương đổ vào các bệnh viện Liban "trong vòng nửa giờ". Loạt vụ nổ chưa từng có này cũng được báo cáo là đã giết chết và làm bị thương một số người ở Syria.
Hàng trăm thiết bị máy nhắn tin đã phát nổ đồng thời trên khắp Liban vào chiều ngày 17/9, vài giờ sau khi Israel tuyên bố sẽ mở rộng mục tiêu của cuộc chiến Gaza để bao gồm cuộc chiến chống lại đồng minh của Hamas là Hezbollah.
Israel vẫn chưa bình luận về các cuộc tấn công, cũng như nguyên nhân khiến máy nhắn tin phát nổ.
Iran, đồng minh và nhà ủng hộ chính của Hezbollah, đã cáo buộc Israel về tội "giết người hàng loạt" trong vụ nổ máy nhắn tin.
Theo tờ The New York Times, phái viên của Iran tại Liban, Mojtaba Amani, cũng nằm trong số những người bị thương trong vụ tấn công. Ông bị thương "ở tay, mặt" và mất một mắt.
Một ngày sau làn sóng nổ máy nhắn tin, một loạt các máy bộ đàm chủ yếu do các thành viên Hezbollah sử dụng, lại phát nổ hàng loạt tại Liban. Loạt vụ tấn công thứ hai này khiến ít nhất 20 người chết và khoảng 450 người bị thương.
Lần này, nhiều thiết bị khác nhau đã phát nổ, trong số đó có máy bộ đàm, điện thoại di động, máy tính xách tay và thậm chí cả một số hệ thống năng lượng mặt trời.
Máy bộ đàm thông thường là một thiết bị vô tuyến cầm tay, hai chiều cho phép mọi người trao đổi tin nhắn với đế máy bộ đàm hoặc những người khác cầm máy thu di động. Chúng là thiết bị tầm ngắn và cần phải ở gần đế máy để truyền tin.
Các thiết bị bị nổ ở Liban được cho là giống với mẫu IC-V82, do công ty ICOM của Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên, đại diện công ty này đã lên tiếng cho rằng, ICOM đã ngừng sản xuất mẫu IC-V82 từ lâu và những chiếc bộ đàm phát nổ nhiều khả năng là hàng giả.
Máy bộ đàm IC-V82 có phạm vi hoạt động lớn hơn nhiều so với máy bộ đàm thông thường và chúng thường được những người nghiệp dư sử dụng cho mục đích cá nhân thay vì phát sóng thương mại hoặc khẩn cấp.
Một số nhà quan sát đã tự hỏi liệu vụ nổ ngày 18/9 có giống với vụ nổ loạt máy nhắn tin trước đó một ngày không. Theo họ, chuỗi cung ứng có thể đã bị xâm nhập và các thiết bị được nạp 1 đến 3 gam chất nổ mạnh.
Một số thành viên Hezbollah tin rằng các vụ nổ có liên quan đến pin. Một số người đã nhanh chóng lấy pin ra khỏi máy bộ đàm và vứt chúng đi sau khi một chiếc bộ đàm phát nổ trong đám tang ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut.
Hầu hết các thiết bị bị ảnh hưởng dường như là hệ thống liên lạc, nhưng cũng có một số báo cáo về các thiết bị khác phát nổ, như tấm pin mặt trời. Ít nhất một vụ nổ như vậy đã làm một bé gái bị thương.