Vụ nổ máy bộ đàm ở Liban: Số lượng ít nhưng có tính sát thương lớn hơn

Ngày 18/9, các máy bộ đàm cầm tay, do nhóm vũ trang Hezbollah của Liban sử dụng, đã phát nổ trên khắp miền Nam nước này và vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut.

Chú thích ảnh
Bộ đàm được sử dụng bởi thành viên lực lượng Hezbollah tại Beirut, Liban ngày 18/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nguồn tin, ít nhất một trong những vụ nổ xảy ra gần đám tang do Hezbollah tổ chức cho những người thiệt mạng trong loạt vụ nổ máy nhắn tin hôm 17/9.

Bộ Y tế Liban cho biết ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương trong loạt vụ nổ mới nhất này.

Trước đó một ngày, ít nhất một chục người đã thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em và hơn 3.000 người bị thương sau loạt phát nổ máy nhắn tin – một phương thức liên lạc công nghệ thấp và được cho là an toàn. Các quan chức an ninh Liban cáo buộc cơ quan tình báo Mossad của Israel đứng đằng sau loạt vụ việc này.

Một quan chức Mỹ nói với tờ Axios rằng Mossad đã lên kế hoạch cho nổ tung các máy nhắn tin trong trường hợp xảy ra chiến tranh tổng lực với Hezbollah, nhưng quyết định cho nổ chúng sớm đề phòng Hezbollah phát hiện ra chất nổ.

Trong khi đó, một nguồn tin an ninh nói với hãng tin Reuters rằng những chiếc radio cầm tay phát nổ ngày 18/9 được mua với số lượng lớn cùng lúc với những chiếc máy nhắn tin phát nổ ngày 17/9.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Channel 12, phóng viên điều tra cho tờ New York Times kiêm nhà phân tích kỳ cựu người Israel Ronen Bergman cho biết vụ nổ ngày 18/9 diễn ra với số lượng thiết bị phát nổ ít hơn hôm trước, nhưng các thiết bị này có chứa nhiều chất nổ hơn và gây ra tác động mạnh hơn.

“Bất kỳ ai ở gần những thiết bị này ít có cơ hội sống sót”, ông Bergman cho hay.

Nhà phân tích này còn nói thêm các thiết bị phát nổ trong ngày 18/9 là máy bộ đàm được sử dụng để các thành viên Hezbollah liên lạc quân sự. Các cuộc tấn công được thiết kế để phơi bày lỗ hổng toàn bộ mạng lưới liên lạc quân sự của Hezbollah.

Ông cũng cho rằng sau vụ nổ ngày hôm qua, Hezbollah có thể sẽ kiểm tra các thiết bị nhập từ các nhà cung cấp bên ngoài. Chính vì vậy, việc kích nổ các máy bộ đàm được coi là “cơ hội cuối cùng” để thực hiện kế hoạch.

Theo ông Bergman, những cuộc tấn công kiểu này được sử dụng như một cuộc tấn công “khai mào” hoặc để ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ của Hezbollah. Ông lưu ý cho đến hiện tại, Israel mặc dù bị các bên cáo buộc nhưng vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm đứng sau các vụ tấn công.

“Việc ai đó nhấn nút kích hoạt chất nổ cho thấy bất cứ ai làm như vậy đều cảm thấy cần phải chứng minh thiệt hại sâu sắc đối với Hezbollah”, nhà phân tích nói thêm.

Cuối ngày 16/9, một bài viết trên tờ Yedioth trích dẫn các nguồn tin an ninh cấp cao của Israel cảnh báo về một bước đi sai lầm có thể dẫn đến leo thang ở mặt trận phía Bắc.

Cùng ngày xảy ra vụ nổ điện đàm, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Volker Turk yêu cầu phải tiến hành điều tra "độc lập, toàn diện và minh bạch" về loạt vụ nổ máy nhắn tin, buộc các đối tượng liên quan phải "chịu trách nhiệm". Ông lên án mạnh mẽ loạt vụ nổ trên, đồng thời khẳng định ảnh hưởng của các vụ nổ đối với dân thường là "không thể chấp nhận được". Cao ủy Nhân quyền LHQ nêu rõ tất cả các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế cần thực hiện ngay các biện pháp nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột hiện nay lan rộng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Times of Israel)
Vụ nổ các thiết bị làm suy yếu lợi thế quan trọng của Hezbollah
Vụ nổ các thiết bị làm suy yếu lợi thế quan trọng của Hezbollah

Vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah đã làm lộ bí mật của nhóm này và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hệ thống liên lạc tinh vi của Hezbollah, chủ yếu dựa vào máy nhắn tin để bảo mật thông tin, đã bị phá vỡ, tạo ra lỗ hổng lớn trong chiến lược. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN