Hải quân Mỹ ngày 21/12 đã điều một nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis dẫn đầu tiến vào Vịnh Ba Tư trong bối cảnh Iran dọa đóng cửa Eo biển Hormuz, cửa ngõ trên biển duy nhất từ Vùng Vịnh ra thế giới và là tuyến đường biển chiến lược để đưa dầu mỏ từ Trung Đông ra thị trường quốc tế.
Theo hãng tin AP, khoảng 30 tàu và xuồng máy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắn rocket tại khu vực tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis tuần tra. Có thời điểm, một tàu nhỏ của Iran đã phóng vật thể trông giống như một máy bay không người lái mini để quay phim các tàu Mỹ. Nguồn tin cho biết thêm USS John C. Stennis cũng tiến hành quay lại hình ảnh các xuồng cao tốc Iran.
Đại tá Randy Peck, một sĩ quan chỉ huy trên tàu sân bay USS John C. Stennis, được AP dẫn lời cho biết: “Tàu Iran đã chạy trước mũi tàu chúng tôi, dừng lại và tìm cách chụp ảnh”.
Vụ việc trên diễn ra khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành giai đoạn cuối của cuộc tập trận “Nhà tiên tri Vĩ đại 12”. Đài truyền hình nhà nước Iran chiếu những hình ảnh cho thấy các lực lượng đổ bộ tràn lên đảo Qeshm thuộc vùng Vịnh trong các cuộc tập trận. Tham gia cuộc tập trận này còn có các tàu hải quân, trực thăng, máy bay không người lái, bệ phóng rocket và các đơn vị đặc công.
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời Tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Mohammed Ali Jafari nêu rõ với cuộc tập trận này, Iran hy vọng các quốc gia đối đầu của nước này sẽ nhận thức rõ hơn về mức độ tổn thất của các biện pháp đáp trả từ Tehran đối với bất kỳ động thái nào.
Giới chức Iran gần đây cảnh báo sẽ cản trở hoạt động vận chuyển dầu mỏ của các nước khác đi qua vùng Vịnh nếu Mỹ tăng cường các nỗ lực ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran thông qua các biện pháp trừng phạt.
Căng thẳng leo thang nhanh chóng thời gian gần đây giữa Mỹ và Iran liên quan tới việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga cùng với Đức) hồi năm 2015.
Washington đồng thời tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt và đưa ra một loạt hạn chế mới nhằm vào khu vực năng lượng, tàu biển, tài chính và nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhằm ngăn chặn nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Đáp lại, giới lãnh đạo quân đội Iran nhiều lần cảnh báo các hành động gậy hấn, dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz.
Washington và Tehran còn đối đầu trong vấn đề Syria. Bộ Ngoại giao Iran ngày 22/12 tuyên bố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria là "phi lý và là ngọn nguồn của căng thẳng".
IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemin nêu rõ: "Ngay từ đầu, việc các lực lượng Mỹ tiến vào và hiện diện tại khu vực này đã là một sai lầm, phi lý và là ngọn nguồn của căng thẳng, đồng thời là nguyên nhân chính của sự bất ổn định".
Lên tiếng sau khi Tổng thống Trump ra lệnh rút hết binh sĩ Mỹ khỏi Syria, ngày 21/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Washington "không còn bất kỳ ảnh hưởng nào" đối với mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, cũng như sẽ không thể ra lệnh cho bất cứ quốc gia nào nữa.