Trong một thông báo đưa ra ở Nairobi, thủ đô Kenya, IOM cho biết :"Việc tiếp tục kêu gọi đóng góp là khẩn cấp và sẽ giúp giải quyết nhu cầu cùa một phần trong số những người di cư dễ bị tổn thương nhất trong khu vực này và tại toàn lục địa châu Phi".
Theo IOM, việc thiếu ngân quỹ đang khiến số người di cư được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo bị giảm mạnh, bao gồm hỗ trợ tại các trung tâm phục vụ người di cư dọc theo tuyến đường trên.
Phó Giám đốc khu vực IOM, Justin MacDermott cho biết Tuyến đường phía Đông thiếu ngân quỹ trầm trọng chưa từng có, trong bối cảnh các nhà tài trợ vẫn chưa đóng góp cho năm 2023 và không còn ưu tiên khu vực này. Trong khi đó quan chức quản lý chương trình cho IOM Somalia, Masood Ahmadi, nhấn mạnh Somalia với tư cách nước xuất phát, quá cảnh và ở một mức độ ít hơn, điểm đến của người di cư, đang đối mặt với thiếu hụt ngân sách để hỗ trợ và bảo vệ người di cư.
Ethiopia, nơi xuất phát của phần lớn người di cư trên Tuyến đường phía Đông là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của việc thiếu ngân quỹ. Quan chức phụ trách chương trình của IOM Ethiopia, Pekka Marjamaki nêu rõ khó khăn về tài chính đang cản trở hỗ trợ cho người di cư Ethiopia quay trở về từ Tuyến đường phía Đông.
Hồi tháng 2, IOM và 47 đối tác nhân đạo và phát triển kêu gọi 84,2 triệu USD tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có 2 triệu USD được cung cấp. Theo IOM, Tuyến đường phía Đông là một trong những tuyến đường di cư phức tạp và nguy hiểm nhất tại châu Phi và trên thế giới. Hàng trăm nghìn người chủ yếu từ Ethiopia và Somalia đi theo tuyến đường này hàng năm với hy vọng đến được các nước vùng Vịnh để tìm việc làm và phải đối mặt với những nguy hiểm như chết đói, đói và mất nước. Người di cư, thường là mục tiêu của những kẻ buôn người và có thể đối mặt với bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tuyển mộ cưỡng bức cho các nhóm giao tranh, đặc biệt là tại Yemen.