Thời gian chính thức ký kết MoU này đã được hai bên ấn định vào tuần cuối cùng của tháng 3/2021. Đây là MoU được ký kết theo thỏa thuận liên chính phủ (G2G) Indonesia và Thái Lan.
Theo tinh thần của MoU, bắt đầu từ năm 2021, Thái Lan sẽ cung cấp gạo trắng cho thị trường Indonesia với số lượng một triệu tấn/năm. Số lượng này có thể tăng dần từ 15 - 25% trong 4 năm tiếp theo căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường Indonesia.
Bên cạnh đó, việc cung cấp gạo cho thị trường Indonesia cũng được Thái Lan căn cứ vào các điều kiện liên quan như tình hình sản xuất trong nước, nhu cầu thực tế của thị trường Indoensia và thị trường quốc tế hoặc cũng phải dựa trên giá cả của thị trường gạo quốc tế.
Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, Thái Lan đã cung cấp tổng cộng 925.000 tấn gạo cho thị trường Indonesia theo thỏa thuận G2G. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, không có thỏa thuận gạo G2G nào giữa Thái Lan và Indonesia được thực hiện. Nguyên nhân chính là do Indonesia đẩy mạnh thực hiện chính sách tự cung tự cấp lúa gạo và thúc đẩy sản xuất gạo trong nước.
Mặc dù vậy, Indonesia vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo trong nước do quốc gia này liên tục hứng chịu thiên tai. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng đang đẩy Indonesia vào tình thế khó khăn buộc quốc gia này phải nhập khẩu nhiều gạo hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước và ổn định giá gạo trong nước. Năm 2020, Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng 89.406 tấn gạo sang thị trường Indonesia. Mức xuất khẩu này tăng 46,3% so với năm 2019.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Charoen Laothammatas cho biết, MoU này giữa Thái Lan và Indonesia sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo Thái Lan do hợp đồng mua bán chưa được ký kết chính thức. Hiện tại, Thái Lan đang gặp khó khăn khăn trong việc xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới do đồng baht của Thái Lan tăng mạnh làm cho giá gạo của Thái Lan đắt hơn các loại ngũ cốc khác.
Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan hiện tại được ghi nhận ở mức 549 USD/tấn, trong khi gạo trắng của Việt Nam có giá chào bán ở mức 513 - 517 USD. Giá gạo của Ấn Độ là 398 - 402 USD/tấn. Giá gạo cùng loại của của Pakistan cũng chỉ từ 438 - 442 USD/tấn.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto cho biết, hiện tại Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy kế hoạch nhập khẩu gạo để dự trữ lương thực. Trong khi đó, Giám đốc cơ quan dự trữ lương thực quốc gia Indonesia, Budi Waseso cho rằng nhập khẩu lúa gạo không phải là chính sách ưu tiên của Indonesia. Trước mắt, Indonesia vẫn tập trung ưu tiên sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong nước để hỗ trợ nông dân. Căn cứ vào tình hình thực tế, Indonesia sẽ có những điều chỉnh nhập khẩu lương thực theo hướng linh hoạt hơn.