Trong một tuyên bố ngày 7/10, Bộ trưởng Airlangga nhấn mạnh: “Các điều kiện tiên quyết bao gồm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, tiêm chủng được thúc đẩy với 2,5 triệu liều mỗi ngày và số ca mắc mới dưới 5.000 ca/ngày”.
Theo ông Airlangga, chiến lược chống COVID-19 của Indonesia - trong đó nhấn mạnh việc xử lý ở cả gốc và ngọn - đã chứng minh được hiều quả, thể hiện qua hệ số lây truyền (Rt) ở mức 0,60, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu và Rt của các nước khác. Cụ thể, Rt của Singapore là 1,44, đứng trước Anh (0,97), mức trung bình thế giới (0,92), Mỹ (0,9), Ấn Độ (0,86), Philippines (0,85), và Malaysia (0,81). Theo ông Airlangga, điều này cho thấy Indonesia là một trong những nước tốt nhất trong việc xử lý COVID-19.
Ông Airlangga cho biết tăng trưởng kinh tế của Indonesia tỷ lệ nghịch với tình hình dịch bệnh. Trong quý II, khi số bệnh nhân COVID-19 được chữa trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở dưới mức 100.000 người, tăng trưởng kinh tế đã tăng vọt lên 7,07%. Tuy nhiên, khi biến thể Delta lây lan, số bệnh nhân tăng lên 573.000 người, ước tính tăng trưởng kinh tế quý III đã giảm xuống còn 3,5 - 4%. Bộ trưởng cấp cao này dự báo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 5% trong quý IV trong bối cảnh một số chỉ số đã được cải thiện đáng kể và số ca mắc mới giảm mạnh. C
ũng theo ông Airlangga, nỗ lực triển khai lệnh hạn chế các hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM), tăng cường xét nghiệm và truy vết, và tăng tốc tiêm chủng đã giúp giảm 94,59% số bệnh nhân COVID-19 đang được chữa trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly so với mức đỉnh ngày 24/7 và 53,81% trong hai tuần qua.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá cao thành tích tiêm chủng tại Indonesia với hơn 100 triệu liều vaccine đã được cung cấp tính đến nay. Với kết quả này, Indonesia hiện đứng thứ 5 thế giới về số người được tiêm liều thứ nhất và thứ 6 về tổng số liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Airlangga cũng nhắc nhở người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác để có thể duy trì thành tích chống COVID-19 hiện nay, qua đó nhanh chóng chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu.