Trong báo cáo Giám sát Tài chính, IMF nêu rõ mỗi nước cần xác định thời gian biểu và tốc độ củng cố tài chính phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. Các kế hoạch tài chính cần tính đến thực tế dịch bệnh, các bất ổn tài chính hiện nay, nguy cơ kinh tế, sức ép dân số già, các nhu cầu phát triển và những khó khăn mang tính lịch sử trong quá trình thu ngân sách.
Một chương trong báo cáo trên, mang tên "Củng cố độ tin cậy của tài chính công", cho biết các nước cần có thời gian và làm cho quá trình ổn định nợ không quá "đau đớn", bằng cách cam kết ổn định tài chính trên các nền tảng tài chính trung hạn đáng tin cậy.
IMF nêu rõ: "Khi các nhà cho vay tin tưởng rằng các chính phủ có trách nhiệm về tài chính, thì sẽ dễ dàng chi trả cho các thâm hụt lớn hơn và xóa nợ".
Báo cáo cho biết nghiên cứu của IMF cho thấy các nước có nền tảng tài chính đáng tin cậy thường có chi phí vay nợ thấp hơn và có thể trả nợ nhanh hơn. Quỹ khuyến cáo rằng các nước cam kết với các mục tiêu tài chính rộng, nhấn mạnh đến các chính sách thuế khóa và chi tiêu công trong 3-5 năm tới, cùng với các chính sách đặc biệt như tăng thuế hoặc nâng tuổi được hưởng lương hưu.
Các quy định tài chính như giữ thâm hụt ngân sách trong ngưỡng vài % GDP, hoặc các hội đồng tài chính đặc biệt thuộc chính phủ, cũng có thể góp phần tăng độ tin cậy. Tuy nhiên, IMF cho biết các kế hoạch tài chính cần mềm dẻo để cho phép các nền kinh tế bình ổn và tránh tình trạng cắt giảm các đầu tư công quan trọng.