COVID-19 tại ASEAN hết 7/10: Ca mắc mới ở Thái Lan cao nhất khối; Ca mắc mới ở Campuchia giảm 7 ngày liền

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 7/10, 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 40.999 ca mắc COVID-19 và 542 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 12.403.405 ca, trong đó 266.321 người tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 7/10, Thái Lan đứng thứ đầu ASEAN về ca mắc với 11.200 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.678.297 ca.

Quốc gia ghi nhận ca mắc cao thứ hai ASEAN là Philippines với 10.019 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.632.881 ca. 

Đứng số 3 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia 9.890 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.303.837 ca mắc COVID-19. 

Tiếp đó là Việt Nam với 4.150 ca, Singapore với 3.577 ca, Indonesia với 1.393 ca mắc, Lào với 414 ca, Campuchia với 224 ca, Brunei với 112 ca và Timor-Leste với 20 ca.

Về số ca tử vong, có 8 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (120 ca), Thái Lan (113 ca), Philippines (109 ca), Malaysia (105 ca), Indonesia (81 ca), Campuchia (10 ca), Singapore (3 ca) và Brunei (1 ca). 

Ca mắc mới ở Campuchia giảm mạnh 7 ngày liền

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia trong 7 ngày liên tiếp đầu tháng 10 này đã giảm còn khoảng 200 ca/ngày, so với mức 800 ca/ngày ghi nhận trong 7 ngày cuối tháng 9 vừa qua. Đây có thể được xem là dấu hiệu cho thấy cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở nước này.

Bộ Y tế Campuchia ngày 7/10 ra thông cáo xác nhận có thêm 224 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc tại Campuchia kể từ đầu dịch lên 114.148 ca. Bộ trên cũng thông báo có thêm 10 người tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch tại Campuchia lên 2.441 ca.

Campuchia áp dụng cách tính mới về ca mắc COVID-19, căn cứ vào kết quả xét nghiệm PCR, theo đó thống kê số ca mắc mới mỗi ngày giảm mạnh. Tuy nhiên, Campuchia đang đối mặt với khả năng số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến sau kỳ nghỉ Lễ Pchum Ben kết thúc ngày 7/10 khi hàng trăm nghìn người đổ về các khu du lịch trong 3 ngày nghỉ lễ chính thức.

Những hình ảnh người dân tụ tập rất đông tại các bãi biển, khu du lịch sinh thái và các điểm du lịch phổ biến ở Campuchia khiến giới chức y tế nước này lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh và gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế sau kỳ nghỉ lễ. 

Tại Siem Reap, tỉnh vừa dỡ bỏ phong tỏa nhiều khu vực ngay trước Lễ Pchum Ben, sau một thời gian khá dài phố xá lặng yên, dòng người đi du lịch đã đổ về thành phố. Theo ghi nhận của Sở Du lịch tỉnh Siem Reap, trong hai ngày đầu kỳ nghỉ Lễ Pchum Ben, Siem Reap đón 19.182 lượt khách tới thăm các điểm du lịch sinh thái, trong đó có Di sản Angkor và Công viên quốc gia Núi Kulen.

Số ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn của Lào có xu hướng giảm 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 414 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 404 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào cho biết số ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày tại thủ đô Viêng Chăn có xu hướng giảm và chỉ ghi nhận 146 ca, trong khi tỉnh Luang Prabang lại ghi nhận số ca tăng cao với 143 trường hợp. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn diễn biến phức tạp. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 26.876 ca, trong đó có 23 ca tử vong.

Cũng theo Bộ Y tế Lào, mặc dù nhiều bệnh viện dã chiến đã được thành lập nhưng số ca mắc gia tăng khiến lực lượng y tế gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ điều trị kịp thời. Hiện nước này đang cố gắng đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đồng thời vận động các địa phương tổ chức đội y tế khẩn cấp để ứng phó với diễn biến dịch bệnh.

Ngoài ra, Lào cũng đang xem xét việc cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ tự cách ly, điều trị tại nhà.

Trong khi đó, Lào bắt đầu cho phép các nhà máy may đáp ứng đủ tiêu chuẩn phòng dịch COVID-19 hoạt động trở lại. 

Chú thích ảnh
Trên một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021, trước khi áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, những nhà máy này phải được Ủy ban chuyên trách quốc gia đánh giá về công tác phòng ngừa dịch bệnh và mức độ rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 trước khi mở cửa hoạt động trở lại. Các nhà máy trong vùng đỏ muốn hoạt động lại phải có khu ký túc xá cho người lao động ngay trong khuôn viên nhà máy.

Trước đó, một số nhà máy phải đóng cửa do ghi nhận các ổ dịch mới với hàng trăm ca mắc COVID-19. Các ca nhiễm này hầu hết đều liên quan lao động nữ tại các khu ký túc xá và ít có triệu chứng. Theo Hiệp hội Công nghiệp May mặc Lào, các nhà máy được phép mở cửa hoạt động trở lại lần này phải đảm bảo các biện pháp về an toàn lao động và phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời phải chịu toàn bộ trách nhiệm nếu để xảy ra bùng phát dịch COVID-19.

Đến nay, tổng số ca COVID-19 tại Lào đã lên tới 26.876 ca, trong đó có 23 người tử vong. Mặc dù, nhiều bệnh viện dã chiến đã được thành lập song số ca mắc COVID-19 gia tăng khiến lực lượng y tế gặp không ít khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ điều trị kịp thời. Hiện Lào đang cố gắng đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19; đồng thời vận động các địa phương, tổ chức, đội y tế khẩn cấp để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Ngoài ra, Lào cũng đang xem xét việc cho người mắc COVID-19 thể nhẹ tự cách ly, điều trị tại nhà.

Malaysia mua thuốc Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân 

Chú thích ảnh
Thuốc Molnupiravir do công ty Merck & Co của Mỹ bào chế. Ảnh: News Emory/TTXVN

Chính phủ Malaysia ngày 7/10 thông qua Bộ Y tế đã ký thỏa thuận mua thuốc điều trị kháng virus Molnupiravir như một sự lựa chọn bổ sung cho phương pháp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở nước này.

Phát biểu tại khóa họp Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết theo thỏa thuận với công ty dược phẩm sinh học Merck Sharp & Dohme, chính phủ đã đồng ý mua 150.000 liều Molnupiravir, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu”.

Theo ông Khairy, dựa trên các nghiên cứu do công ty Merck Sharp & Dohme thực hiện, việc sử dụng thuốc Molnupiravir có thể giảm tỷ lệ nhập viện tới 50%. Ngoài ra, loại thuốc này cũng phát huy hiệu quả trong việc chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, như Gamma, Delta và Mu. 

Ông Khairy cho biết Bộ Y tế Malaysia đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi những phương pháp điều trị tiên tiến đối với bệnh nhân COVID-19 trên khắp thế giới để đảm bảo rằng Malaysia không bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận những phương pháp điều trị tốt nhất cho người dân.

Đề cập đến mũi tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19, ông Khairy nêu rõ chính phủ sẽ không bắt buộc mọi người phải tiêm mũi tiêm này. Tuy nhiên, ông khuyến nghị những nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và các nhân viên y tế tuyến đầu nên tiêm mũi tăng cường kể từ tháng thứ 6 sau khi họ hoàn thành tiêm chủng. Malaysia đã bắt đầu triển khai mũi tiêm tăng cường từ ngày 1/10 tại bang Sarawak.

Indonesia cấp phép sử dụng cho vaccine Zifivax của Trung Quốc 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia, ngày 4/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (BPOM) Indonesia đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine Zifivax của Trung Quốc. 

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 7/10, người đứng đầu BPOM - bà Penny K Lukito cho biết việc cấp EUA được thực hiện sau khi Ủy ban cố vấn quốc gia về tiêm chủng (ITAGI) tiến hành đánh giá chung về chất lượng của vaccine này. Cụ thể, hiệu lực bảo vệ của vaccine Zifivax lên tới 81,71% một tuần sau khi hoàn tất liệu trình tiêm vaccine và 81,4% sau 14 ngày tiêm mũi thứ ba. Hiệu lực bảo vệ của vaccine ở nhóm đối tượng từ 18-59 tuổi là 81,5% và 87,6% đối với người trên 60 tuổi.

Vaccine Zivifax do công ty dược phẩm An Huy Zhifei Longcom Biopharmaceuticals phát triển và được phát triển tại Indonesia với sự hợp tác của công ty PT JBio. Loại vaccine này đã được thử nghiệm lâm sàng tại huyện Bandung, tỉnh Tây Java đối với 4.000 người tình nguyện. Ngoài ra, Zivifax cũng đã được thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc, Pakistan, Uzbekistan và Ecuador với tổng cộng 28.500 người tham gia.

Theo bà Penny, cho tới nay Zivifax chỉ được sử dụng để tiêm bắp cho những người từ 18 tuổi trở lên. Loại vaccine này được bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C; mỗi liệu trình vaccine gồm 3 mũi được tiêm cách nhau một tháng. Zivifax không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường gặp gồm nhức đầu, mệt mỏi, sốt.

Tính đến nay, BPOM đã cấp EUA cho 10 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Sinopharm, Moderna, Sputnik V, Janssen, Convidecia, Bio Farma COVID-19 (sản phẩm nội địa hóa của vaccine Sinovac), và Zivifax.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trên 120.000 trẻ em Mỹ mồ côi vì COVID-19
Trên 120.000 trẻ em Mỹ mồ côi vì COVID-19

Một nghiên cứu mới cho biết số trẻ em Mỹ mồ côi trong đại dịch COVID-19 có thể nhiều hơn các ước tính trước đây. Con số này đặc biệt cao hơn nhiều ở nhóm người Mỹ da màu và gốc Tây Ban Nha. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN