Indonesia kéo dài các hạn chế xã hội cấp độ 4 

Ngày 2/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3-9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 Bệnh nhân COVID-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ban đầu, Indonesia triển khai PPKM khẩn cấp từ ngày 3-20/7 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, trước khi đổi tên thành PPKM cấp độ 4 triển khai từ ngày 21-25/7 và kéo dài từ ngày 26/7-2/8.

Trong bài phát biểu trên kênh Youtube chính thức của Phủ tổng thống, Tổng thống Joko Widodo cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi cân nhắc diễn tiến của một số chỉ số tính đến ngày 1/8. Theo ông, PPKM cấp độ 4 kéo dài từ ngày 26/7 đã mang lại những cải thiện trên một số khía cạnh, từ số ca mắc mới COVID-19, số bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà, tỷ lệ hồi phục, đến tỷ lệ sử dụng giường của các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 (BOR).

Tuy nhiên, truyền thông sở tại cho biết trong thời gian triển khai PPKM khẩn cấp và PPKM cấp độ 4, số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 vẫn chưa sụt giảm nhiều tuy số lượng bệnh nhân hồi phục có sự gia tăng.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia đã đạt mốc kỷ lục 2.069 ca vào ngày 27/7 và tổng cộng 19.523 ca trong 13 ngày áp dụng PPKM cấp độ 4, tương đương 1.622 ca mỗi ngày. Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 là 512.382 ca, tương đương 39.414 ca mỗi ngày. Trong 5 ngày qua, số ca mắc mới có dấu hiệu giảm song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 10.000 ca mỗi ngày của chính phủ.

Tỷ lệ dương tính ở mức 25,6% trong suốt thời gian áp dụng PPKM cấp độ 4, cao hơn gấp nhiều lần mức khuyến cáo 5% của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tỷ lệ dương tính cao nói trên cũng phản ánh sự chậm chạp trong công tác xét nghiệm. Tính chung, chỉ có 1.939.406 người được xét nghiệm COVID-19 trong thời gian áp dụng PPKM cấp độ 4, tương đương với 161.617 người mỗi ngày, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu xét nghiệm cho 324.823 người mỗi ngày tại khu vực Java-Bali.

Trong khi đó, tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng không đạt mục tiêu đề ra khi chỉ đạt trung bình 755.765 liều mỗi ngày, thấp hơn mục tiêu của chính phủ là một triệu liều mỗi ngày.

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia đã ban hành thông tư cho phép phụ nữ mang thai được tiêm vaccine ngừa COVID-19 với lý do đây là một trong những nhóm có nguy cơ phơi nhiễm và mắc các triệu chứng nghiêm trọng.

Cục trưởng Truyền thông và Dịch vụ công thuộc Bộ Y tế, bà Widyawati cho hay qua thông tư này, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ quan y tế tiêm vaccine ngay cho phụ nữ mang thai, nhất là tại các khu vực có mức độ lây lan dịch cao. Theo bà Widyawati, phụ nữ mang thai sẽ được tiêm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinovac. Liều đầu tiên sẽ được tiêm trong quý thứ hai của thai kỳ và liều thứ hai sẽ được tiêm cách quãng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Theo thông tư của Bộ Y tế Indonesia, việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai sẽ được đưa vào tiêu chí đặc biệt. Do vậy, quy trình khám sàng lọc hay tiêm chủng sẽ được thực hiện chi tiết hơn các đối tượng khác.

Hữu Chiến (TTXVN)
Indonesia tuyên bố đã tránh được 'kịch bản tồi tệ nhất' về số ca mắc COVID-19
Indonesia tuyên bố đã tránh được 'kịch bản tồi tệ nhất' về số ca mắc COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 2/8, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết kịch bản tồi tệ nhất về số ca mắc COVID-19 đã không xảy ra tại quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN