Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Budi cho biết dự kiến trung tâm này sẽ sản xuất vaccine dựa trên công nghệ DNA và mRNA. Việc lựa chọn các công nghệ này là do hệ thống y tế toàn cầu cần phát triển sản xuất cả hai công nghệ này trong hoạt động sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Vaccine Red&White do một số trường đại học và tổ chức y khoa tại Indonesia đang nghiên cứu phát triển. Trong đó, Đại học Airlangga có tiến độ nghiên cứu nhanh nhất nhờ vào việc kết hợp hai công nghệ kể trên để bất hoạt virus. Bộ trưởng Budi cho biết thêm sẽ mời các nhà sinh học phân tử thuộc Đại học Airlangga tham gia nghiên cứu và phát triển vaccine tại Trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu.
Trước đó, sáng kiến đưa Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực và thế giới đã được Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đề xuất tại cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 4/2021. Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất trên, đồng thời cam kết hỗ trợ Jakarta thực hiện sáng kiến này.
* Ngày 30/7, Mỹ đã tặng 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Uzbekistan trong bối cảnh Washington nỗ lực tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung Á giáp Afghanistan.
Trên tài khoản Twitter, Đại sứ Mỹ tại Uzbekistan Daniel Rosenblum cho biết máy bay chở 3 triệu liều vaccine của hãng dược Moderna đã hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Tashkent vào sáng sớm cùng ngày. Ông nhấn mạnh chỉ có thể đẩy lùi được dịch COVID-19 khi toàn thể người dân được tiêm phòng.
Hồi đầu tuần này, Tajikistan, một quốc gia Trung Á khác có biên giới với Afghanistan, đã tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccine của hãng dược Moderna thông qua cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX.