Đó là ông Bambang Irianto cựu Giám đốc thương mại của công ty năng lượng nhà nước PT Pertamina (PES).
Sau gần 5 năm điều tra vụ bê bối mà chính quyền mô tả là "mafia dầu khí", KPK cáo buộc ông Irianto đã nhận hối lộ từ công ty dầu mỏ Kernel Oil Pte để đảm bảo các hợp đồng bán mua dầu với công ty này.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch KPK Laode Syarif cho biết ông Irianto đã nhận ít nhất 2,9 triệu USD trong thời gian từ năm 2010-2013. Số tiền hối lộ được chuyển qua một công ty vỏ bọc mà ông Irianto đã lập ra tại "thiên đường thuế" ở quần đảo Virgin (vùng lãnh thổ thuộc Anh ở khu vực Caribe).
Về phần mình, Kernel Oil đã sử dụng Công ty dầu khí quốc gia ENOC của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) như một công cụ để tránh né các quy định buộc PES phải ưu tiên cho một công ty dầu khí quốc gia trong đầu thầu.
Ông Syarif cho biết: "ENOC là một công ty dầu khí, nhưng PES không mua dầu của công ty này mà mua của Kernel Oil".
Ông Irianto hiện chưa bình luận gì về cáo buộc trên. Nếu bị kết tội, ông có thể phải chịu mức án tối đa 20 năm tù giam và một triệu rupiah (71.200 USD) tiền phạt.
Tập đoàn Kernel Oil từ chối bình luận, trong khi ENOC chưa đưa ra bình luận của mình.
Người phát ngôn của công ty Pertamina, Fajriyah Usman cho biết công ty "tôn trọng vụ kiện pháp lý đang diễn ra và nguyên tắc suy đoán vô tội".
Theo lệnh của Tổng thống Joko Widodo, Pertamina đã giải tán mảng thương mại Petral của mình năm 2015. Ông Irianto cũng là giám đốc điều hành Petral cho đến khi công ty này bị xóa sổ.
Tổng thống Widodo đã đặt ưu tiên là làm trong sạch lĩnh vực dầu khí của Indonesia khi đắc cử tổng thống năm 2014, với hy vọng sẽ cải thiện môi trường đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Ông đã tái đắc cử nhiệm kỳ hai hồi tháng 4 vừa qua.