Những nhận định trên của người đứng đầu IMF được đưa ra chỉ vài ngày trước khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 190 quốc gia tham dự cuộc họp kéo dài 1 tuần (9-15/10) tại Marrakech của Maroc để thảo luận những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Bà Georgieva nhấn mạnh rằng các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2020 đã khiến sản lượng toàn cầu sụt giảm 3.700 tỷ USD; mức tăng trưởng hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước đại dịch COVID-19 và triển vọng tăng trưởng trung hạn yếu hơn.
Bên cạnh đó, lạm phát dai dẳng đồng nghĩa với việc phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và sự phân mảnh kinh tế có nguy cơ gây tác động nặng nề nhất đến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Giám đốc IMF cho biết thêm rằng báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới của thể chế tài chính này, dự kiến được công bố ngày 10/10, sẽ phản ánh sự phục hồi chậm và không đồng đều với nhiều điểm khác biệt rõ rệt trong các xu hướng trên toàn cầu. Mặc dù vậy, nền kinh tế thế giới đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, đồng nghĩa nền kinh tế có thể phục hồi chậm nhưng tránh được nguy cơ suy thoái.
Dù vậy, Giám đốc IMF Georgieva vẫn khuyến nghị cần hết sức thận trọng. Bà nêu rõ, đà tăng trưởng hiện nay khá yếu, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trước đại dịch COVID-19 và lạm phát vẫn có thể cao hơn mức mục tiêu tại một số quốc gia cho đến năm 2025.
Nhấn mạnh "chống lạm phát là ưu tiên số 1", Giám đốc IMF lưu ý rằng giá cả hàng hóa tăng làm giảm sức mua của người tiêu dùng và làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư, đồng thời tác động đến những người nghèo nhất trong xã hội khó khăn nhất. Để kiểm soát lạm phát đòi hỏi phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn và một điều vô cùng quan trọng là phải tránh nới lỏng chính sách quá sớm để ngăn nguy cơ lạm phát "nóng" trở lại.
Theo bà Georgieva, những kỳ vọng về khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế thế giới đã giúp làm tăng giá của nhiều loại tài sản khác nhau, song nếu lạm phát tăng mạnh trở lại sẽ có thể dẫn đến động thái siết chặt các điều kiện tài chính.
Giám đốc IMF cũng cho biết thêm các ngân hàng đang phải đối mặt nhiều áp lực và kêu gọi thực hiện các bước đi khẩn cấp nhằm tăng cường sự an toàn cho mạng lưới tài chính toàn cầu. Phía IMF, đã hỗ trợ khoảng 320 tỷ USD cho 96 quốc gia kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cũng cần tăng cường năng lực cho vay.
Chính vì vậy, bà hối thúc các nước thành viên hành động, nâng hạn ngạch đóng góp tài chính trong IMF. Ngoài ra, bà cũng kêu gọi các quốc gia thành viên có tiềm lực hơn tăng cường đóng góp vào Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo - quỹ được sử dụng để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên nghèo nhất, cũng như vào Quỹ Tín thác Khả năng phục hồi và bền vững mới trị giá 40 tỷ USD - quỹ tài trợ dài hạn cho các cải cách khí hậu.