Trong báo cáo sơ bộ năm 2019, IMF lưu ý nợ công của Pháp đã tăng từ mức tương đương khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm 80 của thế kỷ trước lên tới gần 100%. Để đối phó với vấn đề trên, theo IMF, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cần tìm thêm các biện pháp hạn chế chi tiêu, cũng như đảm bảo các biện pháp này nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm nay ở mức 1,3%, và trong trung hạn, mức tăng trưởng này sẽ ổn định quanh ngưỡng 1,5% do nhu cầu trong và ngoài nước phục hồi, cũng như những cải cách hiện nay phát huy tác dụng. Theo thể chế tài chính này, dù tăng trưởng của Pháp vẫn còn chậm song cải cách thuế và thị trường lao động đã phần nào giúp thúc đẩy kinh tế. Dẫu vậy, IMF vẫn cảnh báo các nguy cơ đối với nền kinh tế Pháp đang tăng lên, trong đó có căng thẳng thương mại toàn cầu, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vẫn chưa ngã ngũ và bản thân Paris thiếu sự ủng hộ cần thiết của công chúng đối với cải cách kinh tế.
Ngay khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Macron ngay lập tức đã tiến hành loạt biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách đáp ứng giới hạn mà EU đề ra là tương đương 3% GDP. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) luôn vượt quá giới hạn trên trong suốt 1 thập kỷ. Tháng 3 vừa qua, cơ quan thống kê nhà nước Insee cho biết cho dù tăng trưởng và sức mua giảm sút song thâm hụt ngân sách của Pháp đã giảm xuống còn 2,5% GDP trong năm 2018 - mức thấp nhất trong 12 năm qua.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh kể từ tháng 11/2018, thủ đô Paris thường xuyên phải đối mặt với các cuộc biểu tình do phong trào "Áo vàng" tổ chức vào cuối tuần nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ, mặt bằng thuế và chi phí sinh hoạt cao. Mặc dù Chính phủ Pháp đã ban hành một số quy định nhằm đáp ứng một số yêu cầu của người biểu tình và tổ chức đối thoại để giải quyết vấn đề, song làn sóng biểu tình chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Hầu hết các cuộc biểu tình này thường biến thành bạo lực khi những đối tượng quá khích đốt phá cửa hàng, khách sạn trên các đường phố. Một tháng sau khi phong trào "Áo vàng" bắt đầu biểu tình, Tổng thống Macron đã đưa ra gói biện pháp cắt giảm thuế và tăng thêm thu nhập, trị giá 10 tỷ euro. Tiếp đó, tháng 4 vừa qua, Chính phủ cũng ban hành các kế hoạch mới nhằm cắt giảm thuế, chi tiêu công và tăng giờ làm việc.