Kênh Al Jazeera nhận định rất khó để lần dấu được chính xác số tiền đã đổ về Ukraine. Tuy nhiên, Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) có trụ sở ở Đức đã thống kê các con số dựa trên kho dữ liệu của viện nghiên cứu này có tên Ukraine Support Tracker (UST) để đưa ra các con số.
UST thống kê viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mà các chính phủ cam kết với Ukraine từ ngày 24/1 đến hết ngày 20/11. Trong đó bao gồm 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, cụ thể là các thành viên EU, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), cũng như như Australia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhà kinh tế học Andre Frank tại IfW lý giải: “Trở ngại chính là sự sẵn có của thông tin, đặc biệt là thông tin chính thống, và việc định giá các mặt hàng, đặc biệt là liên quan đến quân sự”.
“Nói chung, chúng tôi lấy thông tin từ các nguồn chính thức của chính phủ. Bất cứ khi nào không có thông tin chính thức hoặc các tuyên bố không cho phép định lượng đầy đủ khoản đóng góp, chúng tôi sẽ tham khảo các báo cáo truyền thông đáng tin cậy”, ông Frank cho hay.
Bên cạnh đó, việc tính đơn giá trung bình thiết bị quân sự chủ yếu dựa trên giá trị hợp đồng trong kho dữ liệu thương mại vũ khí của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Ông Frank nói rằng quốc gia hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine là Mỹ với cam kết hiện tại là 24,37 tỷ USD. Anh đứng thứ hai với 4,4 tỷ USD.
Anh là quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Ukraine. Chính phủ Anh đã chuyển giao hoặc cam kết Ukraine hàng nghìn vũ khí chống tăng, hàng trăm tên lửa tầm ngắn, xe thiết giáo, hệ thống chống chiến đấu cơ Starstreak… Không lâu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng cam kết chuyển thêm cho Ukraine 125 tên lửa chống chiến đấu cơ.
Đức đứng thứ ba sau Mỹ và Anh về dòng viện trợ quân sự, với 2,49 tỷ USD tính đến nay. Theo IfW, các quốc gia thành viên EU đã dành tổng cộng 9,18 tỷ USD cho viện trợ quân sự.
Ông Frank nhấn mạnh nếu tính cả chương trình European Peace Facility do EU điều hành thì tổng số hỗ trợ quân sự của EU cho Ukraine, tính cả các cam kết đến ngày 20/11, là 12,48 tỷ USD.
Cũng theo IfW, nếu xét về hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo, châu Âu hỗ trợ Ukraine tổng cộng 55 tỷ USD còn Mỹ là 51 tỷ USD.
Trong một diễn biến đáng quan tâm, hãng tin Interfax ngày 26/12 dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev đang cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận kế hoạch hòa bình cho Ukraine vào cuối tháng 2/2023 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) và do Tổng thư ký Antonio Guterres làm trung gian hòa giải. Văn phòng Tổng thư ký LHQ cho biết ông Guterres sẵn sàng đóng vai trò này chỉ khi tất cả các bên, bao gồm cả Nga, nhất trí với điều đó.
Sau đó, phó Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky tuyên bố việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là bất khả thi.
Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát đến nay, nhiều vòng đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine đã diễn ra nhưng chưa đạt được bước đột phá nhằm chấm dứt xung đột.