Thiết bị đeo đầu thông minh đạt chuẩn châu Âu Brain-Life Focus+.
Không giống các thiết bị đeo phổ biến hiện nay chỉ dừng ở việc đo nhịp tim hay giấc ngủ, Brain-Life Focus+ sử dụng ba hệ cảm biến gồm EEG (điện não), fNIRS (lưu lượng máu não) và PPG (nhịp tim) để thu thập dữ liệu sinh lý phản ánh trực tiếp các trạng thái như mệt mỏi, căng thẳng, mất tập trung hoặc kiệt sức. Thiết bị còn tích hợp trí tuệ nhân tạo đa mô hình để xử lý và phân tích dữ liệu não, từ đó đưa ra gợi ý cá nhân hóa như: nghỉ ngắn, thay đổi công việc, tập thở hoặc nghe âm thanh kích hoạt sóng não.
Theo Tiến sĩ Vi Chí Thành, nhà sáng lập và CEO Brain-Life, công nghệ này không chỉ “đọc” được não bộ mà còn “hiểu” tâm trí người dùng để giúp họ điều chỉnh kịp thời. “Chúng tôi muốn đưa công nghệ thần kinh học này ra khỏi phòng lab, đến với học sinh, giáo viên, người đi làm, những người chịu nhiều áp lực tinh thần nhưng ít được chăm sóc đúng mức”, ông Thành chia sẻ.
Điểm nổi bật của Brain-Life Focus+ nằm ở khả năng “democratize”, phổ cập công nghệ vốn chỉ dành cho phòng nghiên cứu với chi phí cao. Trong khi các hệ thống EEG y tế truyền thống có giá hàng nghìn USD và đòi hỏi chuyên gia vận hành, thì thiết bị này chỉ có giá khoảng 150 - 200 USD, dễ sử dụng tại nhà, nơi làm việc hay trường học.
Dựa trên hơn 10 năm nghiên cứu tại các trường đại học danh tiếng như: Sussex, Bristol và các công bố tại các hội nghị quốc tế (CHI, UIST…), sản phẩm đã được thử nghiệm thực tế tại Anh, Mỹ và Việt Nam, đạt độ chính xác phân tích trạng thái tâm trí trên 90%. Thiết kế sản phẩm, nghiên cứu và sản xuất hoàn toàn thực hiện tại Việt Nam, nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn châu Âu, theo triết lý “Made in Vietnam - EU Quality - Global Impact”.
Ngoài hiệu năng công nghệ, Brain-Life cũng cam kết mạnh mẽ về quyền riêng tư người dùng. Dữ liệu não và hành vi cá nhân được mã hóa đầu cuối, lưu trữ theo chuẩn GDPR (EU) và người dùng có toàn quyền kiểm soát, xóa dữ liệu bất cứ lúc nào.
Ứng dụng thực tế của Brain-Life Focus+ đã cho thấy tiềm năng lớn: giúp học sinh tăng cường sự tập trung khi học online, hỗ trợ người đi làm tránh kiệt sức do stress hay đồng hành với người lớn tuổi trong việc theo dõi suy giảm nhận thức. Thiết bị này đang được triển khai thử nghiệm tại các trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Brain-Life hiện quy tụ đội ngũ cố vấn toàn cầu, bao gồm các chuyên gia từ Anh, Mỹ, Pháp, Úc và Việt Nam, đồng thời hợp tác với nhiều tổ chức như Google Cloud, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, NHS (Anh), Monash University (Úc) và các viện nghiên cứu thần kinh tại châu Âu.
Đối với Tiến sĩ Vi Chí Thành, việc rời phòng lab châu Âu về Việt Nam khởi nghiệp không chỉ là quyết định cá nhân mà còn là hành trình cống hiến. “Tôi không chỉ muốn phát minh, mà còn muốn đưa khoa học ra đời sống. Người Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ cao và chúng tôi muốn chứng minh điều đó bằng hành động”, ông Vi Chí Thành nói.