IAEA: Iran bắt đầu làm giàu urani bằng máy ly tâm tiên tiến dưới lòng đất

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran đã bắt đầu làm giàu urani bằng một loạt các máy ly tâm tiên tiến IR-4 ở nhà máy dưới lòng đất Natanz của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Chú thích ảnh
Iran bắt đầu làm giàu uranium bằng máy ly tâm tiên tiến. Ảnh: AP 

"IAEA xác nhận rằng Iran đã bắt đầu đưa UF6 tự nhiên (urani hexafluoride) vào dàn máy gồm 174 ống ly tâm IR-4 được lắp đặt tại nhà máy làm giàu nhiên liệu", báo cáo của IAEA cho biết.

Đài Sputnik (Nga) đưa tin theo các điều khoản của Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) năm 2015, các máy ly tâm duy nhất có thể được đưa xuống dưới lòng đất tại nhà máy làm giàu Natanz là các máy ly tâm IR-1 cũ hơn, có hiệu suất chỉ bằng 1/4 so với máy ly tâm IR-4 mới. Tuy nhiên, Tehran đã quyết định chuyển các máy ly tâm tiên tiến này xuống lòng đất vào năm ngoái, sau sự cố phá hủy xưởng ly tâm trên mặt đất hồi tháng 7/2020.

Cơ sở dưới lòng đất an toàn hơn đáng kể so với các cơ sở trên mặt đất, cũng như có khả năng chống lại các cuộc tấn công trên không tốt hơn, điều mà Israel đã nhiều lần đe dọa tiến hành. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump cũng cân nhắc lựa chọn biện pháp đe dọa này.

JCPOS được ký năm 2015 giữa Iran với các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu, Nga và Trung Quốc, nhằm mục đích hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Tehran. Đổi lại nước này sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 với cáo buộc Tehran đã bí mật vi phạm thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc với nước này.

Tuy nhiên, không quốc gia nào khác đồng ý với đánh giá của Mỹ và đã cố gắng duy trì thỏa thuận, mặc dù vẫn phải cúi đầu trước áp lực của Mỹ nhằm hạn chế thương mại và giao dịch với Iran.

Đáp trả, Iran từng bước đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng. Hồi tháng 11/2020, Quốc hội Iran đã thông qua một đạo luật cho phép nước này từ bỏ dần các cam kết với JCPOA, với ý định gây sức ép buộc Mỹ quay trở lại thỏa thuận mà nước này đã đơn phương rút khỏi. Đạo luật cho phép Iran tăng độ tinh khiết của urani được tinh chế cũng như hạn chế khả năng IAEA tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất.

Tháng 1/2021, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran thông báo đã đẩy nhanh tiến trình làm giàu urani lên mức tối đa là 20%, cao hơn nhiều so với mức 3,67% cho phép của JCPOA, song chưa đạt đến độ tinh khiết gần 90% cần thiết để chế tạo một quả bom hạt nhân có thể sử dụng được.

Trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận này. Tuy nhiên, kể từ khi ông lên nhậm chức vào tháng 1, mối quan hệ giữa Washington và Tehran càng đi đến một ranh giới đối đầu hơn trước. Trong khi Mỹ cho rằng Iran là quốc gia nên hành động trước, Tehran lại kêu gọi chính quyền ông Joe Biden phải quay trở lại thỏa thuận trước và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nếu không Tehran sẽ chấm dứt hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA.

Hải Vân/Báo Tin tức
Iran và Mỹ vẫn chưa có tiếng nói chung liên quan thỏa thuận hạt nhân  
Iran và Mỹ vẫn chưa có tiếng nói chung liên quan thỏa thuận hạt nhân  

Hãng thông tấn chính thức Iran (IRNA) ngày 10/3 dẫn lời Tổng thống Hassan Rouhani kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN