Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng thống Rouhani nêu rõ: “Nếu chúng ta tìm giải pháp ngoại giao (để giải quyết tranh chấp), thì lộ trình rõ ràng là phải dỡ bỏ các lệnh cấm vận… không có lựa chọn nào khác”.
Tổng thống Rouhani đưa ra bình luận trên trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày. Ông cho rằng chính quyền mới của Mỹ chưa thực hiện bất cứ “biện pháp thực tế nào” nhằm quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran.
Trong khi đó, đặc phái viên phụ trách vấn đề Iran của Nhà Trắng Robert Malley ngày 10/3 cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ "không vội vàng" trong việc đàm phán về thỏa thuận JCPOA trước cuộc bầu cử của nước này vào tháng 6 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Malley nêu rõ: “Tiến độ thảo luận sẽ phụ thuộc vào việc chúng tôi có thể đạt được tiến triển như thế nào, và phù hợp với việc bảo vệ những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không. Nói cách khác, chúng tôi sẽ không đẩy nhanh hoặc gây trì trệ việc đàm phán do cuộc bầu cử của Iran”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này sẽ không nới lỏng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Iran, bao gồm việc giải phóng các khoản tiền của Iran bị phong tỏa ở Hàn Quốc, cho đến khi Tehran tái thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: "Như chúng tôi đã nói, nếu Iran trở lại tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân, chúng tôi sẽ làm điều tương tự đáp lại. Nếu Iran thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình, các biện pháp trừng phạt sẽ được giảm bớt theo thỏa thuận này".
Quan chức ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố trên sau khi có thông tin rằng Hàn Quốc cho biết có thể giải phóng một phần số tiền của Iran (khoảng 1 tỷ USD) bị phong tỏa trong các ngân hàng ở Hàn Quốc sau khi tham vấn và được Mỹ đồng ý. Hiện Iran có khoảng 7 tỷ USD đang bị đóng băng tại các ngân hàng ở Hàn Quốc. Seoul đề xuất chuyển một phần số tiền trên vào một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ để sử dụng vì mục đích nhân đạo nhưng chỉ khi Mỹ đồng ý. Đề xuất trên được đưa ra sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Hàn Quốc cùng với thủy thủ đoàn, trong một nỗ lực được cho là nhằm gây áp lực buộc Seoul phải giải phóng số tiền của Tehran đang bị đóng băng tại các ngân hàng ở Hàn Quốc. Đây chủ yếu là khoản tiền Hàn Quốc thanh toán số dầu nhập khẩu từ Iran. Số tiền này đã bị đóng băng kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA hồi năm 2018.
Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục JCPOA. Hiện Mỹ và Iran dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này. Iran cho rằng Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Mỹ muốn Iran ngừng các hành động đáp trả mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận trước.