Ngày 6/11, cho dù vẫn chưa hoàn tất được các chi tiết của gói biện pháp khắc khổ, Hy Lạp đã huy động được 1,3 tỷ euro (1,7 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 6 tháng, với mức lãi suất giảm nhẹ xuống mức 4,41%.
Khi đã bị đẩy ra khỏi các thị trường trái phiếu dài hạn kể từ năm 2010 và có thể bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 6 liên tiếp, Hy Lạp đã phải dựa vào các khoản cho vay cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thường xuyên phải phát hành trái phiếu ngắn hạn.
Để được giải ngân 31,5 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ để tránh bị phá sản vào giữa tháng 11, Quốc hội Hy Lạp phải bỏ phiếu về gói các biện pháp khắc khổ mới.
Theo Cơ quan quản lý nợ công, Dự luật về các biện pháp khắc khổ đề xuất việc cắt giảm chi tiêu và các cải cách khác trị giá 18,5 tỷ euro (23,6 tỷ USD) đến năm 2016, và đã được chuyển lên Quốc hội vào ngày 5/11 để tiến hành bỏ phiếu vào ngày 7/11.
Dự luật đưa ra các biện pháp khắc khổ như tăng độ tuổi nghỉ hưu từ 65 tuổi lên 67 tuổi, tinh giản biên chế trong lĩnh vực công, "đóng băng" lương tối thiểu ở mức 580 euro/tháng, cắt giảm chi tiêu công và chi cho phúc lợi xã hội, tăng thuế đối với xăng dầu và thuốc lá.
Những biện pháp này là nhằm hạ thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2016 thay vì vào năm 2014 như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, Hy Lạp sẽ phải tiết kiệm được 13,5 tỷ euro trong số tiền trên vào năm 2014.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã hối thúc Hy Lạp đạt thỏa thuận cuối cùng với bộ ba nhà tài trợ quốc tế, nói các chính đảng của nước này cần đạt được sự nhất trí về luật tư nhân hóa mà các nhà tài trợ đã yêu cầu.
Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính châu Âu để quyết định về các quỹ cứu trợ đã được hoãn đến ngày 12/11 để Hy Lạp có thêm thời gian giải quyết các vấn đề còn lại.
TTXVN/ Tin Tức