Ngày 5/10, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras thừa nhận người dân nước này không thể chấp nhận thêm các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, đồng thời cảnh báo đất nước đang bị nợ công tàn phá này sẽ cạn sạch tiền vào tháng tới. Ông Samaras thừa nhận nền dân chủ ở Hy Lạp đang đứng trước thách thức có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay.
Nông dân Đảo Crete, Hy Lạp, biểu tình phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ ngày 5/10. |
Trả lời phỏng vấn nhật báo Handelsblatt của Đức, Thủ tướng Samaras cho rằng những cắt giảm mà Aten đã thực hiện trên thực tế là “sự cắt giảm đến tận xương”, “đến tận cùng giới hạn” mà chính phủ có thể yêu cầu từ người dân. Ông Samaras nhắc lại Hy Lạp cần có thêm thời gian để thực hiện những cắt giảm sâu sắc theo yêu cầu của “bộ ba” tham gia cứu trợ nước này gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chứ không cần thêm gói cứu trợ khác.
Hy Lạp cần được giải ngân khoản tiền 31,5 tỷ euro (40,6 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF, vốn bị trì hoãn từ nhiều tháng nay vì các bên liên quan chưa đạt đồng thuận về điều kiện cứu trợ, để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào mùa thu tới. Đổi lại, nước này phải thực hiện một chương trình “thắt lưng buộc bụng” quy mô lớn và những cắt giảm sâu sắc theo yêu cầu của nhóm “bộ ba”.
Tây Ban Nha không cần cứu trợ
Trong khi Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ thì tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos ngày 5/10 tuyên bố nước này “không cần một gói cứu trợ tổng thể nào hết”. Ông Guindos nhấn mạnh Tây Ban Nha là nền kinh tế ổn định và cạnh tranh, cho dù đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Guindos, tất cả những gì Tây Ban Nha đang làm, đang nghĩ đều là những điều đúng đắn không chỉ cho Tây Ban Nha mà cho cả tương lai Khu vực đồng euro (Eurozone), và những biện pháp Tây Ban Nha đang thực hiện là cần thiết để ổn định kinh tế cũng như lấy lại đà tăng trưởng. Ông Guindos cho rằng Tây Ban Nha đã vượt qua một “cuộc sát hạch” lòng tin khi chi phí vay mượn đã giảm sau kế hoạch bán trái phiếu chính phủ huy động 3,99 tỷ euro (5,2 tỷ USD), đặc biệt là chương trình cải cách kinh tế được ECB hoan nghênh.
Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng đã phủ nhận việc nước này đang lên kế hoạch đề xuất gói cứu trợ tổng thể khẩn cấp từ các định chế tài chính nước ngoài nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính nhấn chìm nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone này. Ông Rajoy bác bỏ các thông tin cho rằng chính phủ Tây Ban Nha sẽ chính thức đưa ra đề xuất cứu trợ ngay trong tuần này.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo các thị trường tài chính chưa loại trừ khả năng Tây Ban Nha vẫn cần tới gói cứu trợ tổng thể. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Luis Maria Linde cho rằng vấn đề cấp bách nhất đối với Mađrít hiện nay là khôi phục lòng tin từ các thị trường, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thâm hụt ngân sách và chi phí vay mượn. Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng hoan nghênh những gì mà ông gọi là “tiến bộ đáng kể” của Tây Ban Nha trong việc ổn định tài chính, cải cách cơ cấu và khu vực ngân hàng, tuy nhiên ông cảnh báo những thách thức lớn vẫn đang ở phía trước.
Dương - Hạnh (Tổng hợp)