Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas ngày 28/1 cho biết thông tin trên. Các biện pháp phong tỏa hiện nay tại Hungary có hiệu lực từ đầu tháng 11/2020 và sẽ hết hạn vào ngày 1/2 tới, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa các cửa hàng cũng như nhà hàng.
Theo ông Gulyas, chính phủ cũng sẽ đề nghị Quốc hội gia hạn 90 ngày quyền có thể ra quyết định khẩn cấp của chính phủ. Ông cho rằng chỉ có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca bệnh giảm mạnh hoặc nhiều người được chủng ngừa.
Ông Gulyas cho biết thêm lượng vaccine ngừa COVID-19 phân phối thông qua Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể đủ để tiêm chủng quy mô lớn. Theo ông, Hungary sẽ nhận được lô vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga vào cuối tháng 2 tới.
Cùng ngày, giới chức Anh cho biết nước này sẽ xem xét lại danh sách các quốc gia phải áp dụng các biện pháp cách ly sau khi thông báo quy định những người đến Anh từ các quốc gia trên phải thực hiện cách ly 10 ngày tại khách sạn ngay khi nhập cảnh.
Anh ngày 27/1 đã thông báo các biện pháp hạn chế mới nhằm giảm hoạt động đi lại với nước này, đồng thời hy vọng rằng việc thắt chặt kiểm soát biên giới có thể giúp giảm nguy cơ lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tránh được việc chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Bộ Nội vụ Đức ngày 28/1 cho biết nước này đang cân nhắc khả năng áp đặt hạn chế đối với những người đến từ Anh, Brazil và Nam Phi do lo ngại sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở những quốc gia này. Quy định mới này đang được Chính phủ Đức thảo luận.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng nước này đang trong giai đoạn "khủng khiếp", chứ không chỉ là "tồi tệ", của đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng tình trạng này có thể kéo dài vài tuần trước khi có thể được cải thiện. Ông Costa cho rằng tình hình dịch bệnh tại nước này trở nên xấu đi một phần là do chính phủ đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong dịp Giáng sinh và Năm mới vừa qua, và do khả năng lây lan mạnh của biến thể mới phát hiện tại Anh.
Với tổng số 668.951 ca nhiễm, trong đó 11.305 ca tử vong do COVID-19, Bồ Đào Nha hiện có số ca nhiễm và tử vong theo ngày trung bình một tuần cao nhất thế giới.
Thụy Điển ngày 27/1 cho biết nước này sẽ cấm nhân giống các lứa chồn mới từ nay đến hết năm 2021 sau khi phát hiện một số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại các trang trại nuôi chồn trên cả nước.
Thụy Điển đã phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở chồn vào tháng 10/2020 và trong suốt mùa Thu năm ngoái, 13 trong khoảng 30 trang trại nuôi chồn ở nước này đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Viện Thú y quốc gia Thụy Điển cho rằng thực tế ở Đan Mạch và Hà Lan cho thấy khó có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 không lây sang chồn khi mà chủng virus này vẫn đang lây lan mạnh ở người, ngay cả khi các biện pháp an toàn được áp đặt.
Không giống như quốc gia láng giềng Đan Mạch, Thụy Điển đã ngừng ra lệnh tiêu hủy chồn, thay vào đó chỉ cấm nhân giống các lứa chồn mới vào mùa Xuân. Do đó, các trang trại nuôi chồn có thể giữ lại các con chồn giống để tiếp tục nhân giống vào năm 2022 nhưng phải tiêu hủy bất kỳ con chồn nào được sinh ra. Năm ngoái, khoảng 550.000 con chồn đã được lấy lông và khoảng 90.000 con được giữ lại nuôi để làm giống.
Đan Mạch, từng là quốc gia xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới, hồi tháng 11/2020 đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ 15 triệu con chồn trên cả nước sau khi phát hiện một số trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc tiêu hủy chồn ở những trang trại chưa nhiễm virus sau đó bị cho là hành động không có cơ sở pháp lý, khiến Bộ trưởng Nông nghiệp nước này phải từ chức.