‘Chiến dịch tử thần’ đe dọa chương trình tiêm chủng của Philippines

Đâu đó tại quốc gia Đông Nam Á 108 triệu dân, ký ức về vaccine ngừa sốt xuất huyết đang khiến nhiều người dân gạt bỏ ý định đi tiêm phòng ngay trước khi chương trình chủng ngừa COVID-19 bắt đầu.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa sốt xuất huyết Dengvaxia của hãng dược phẩm Sanofi. Ảnh: AFP

“Nhiều trẻ em ốm sau khi được tiêm loại vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết đó”, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời cụ bà Crisanta Alipio (62 tuổi). Cụ Alipio cho biết bà sợ virus SARS-CoV-2 nhưng thậm chí còn e dè việc tiêm vaccine hơn.

Philippines, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Đông Nam Á với trên một nửa triệu ca mắc COVID-19 và ít nhất 10.000 trường hợp tử vong, dự kiến bắt đầu tiêm chủng vào tháng tới.

Tuy nhiên, giới chức nhận thức rõ họ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thuyết phục người dân đi tiêm chủng, bên cạnh những khó khăn về hậu cần khi vận chuyển vaccine tới 2.000 hòn đảo lớn nhỏ có dân cư.

Niềm tin vào vaccine tại quốc gia này đã biến mất sau vụ bê bối vaccine ngừa sốt xuất huyết của hãng dược phẩm Pháp Sanofi. Loại vaccine này đã bị cấm sử dụng tại Philippines sau khi nhà sản xuất thông báo vaccine có thể làm những người chưa từng mắc bệnh bị bệnh trầm trọng hơn.

Thông báo này đã kéo theo hai cuộc thẩm vấn trước Quốc hội và trên 100 vụ án hình sự liên quan đến những trường hợp trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, những liên hệ này chưa có bằng chứng xác thực.

Về phần mình, hãng dược phẩm Sanofi liên tục khẳng định vaccine Dengvaxia an toàn và hiệu quả, cũng như được cấp phép sử dụng tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Sau vụ bê bối trên, đánh giá về sự tin tưởng vào vaccine, Philippines rơi xuống vị trí 70 trên toàn thế giới. Số trẻ em được tiêm chủng đầy đủ tại quốc gia này giảm từ 85% trong năm 2010 xuống còn 69% trong năm 2019.

Bên cạnh đánh mất niềm tin, trong dư luận Philippine còn đang truyền tai nhau về một “chiến dịch tử thần”.

“Một số thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook và tin nhắn mang nội dung vaccine ngừa COVID-19 có chứa một loại chip siêu nhỏ có thể được Tổng thống Rodrigo Duterte điều khiển từ xa, và khi ông ấn nút, người được tiêm vaccine sẽ chết”, Nasser Alimoda, một bác sĩ của chính quyền địa phương tỉnh Lanao del Sur, cho biết.

Ngày 28/1, Chính phủ Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, mở đường cho chương trình triển khai vaccine trong quý II.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Nhật Bản diễn tập tiêm vaccine phòng dịch COVID-19
Nhật Bản diễn tập tiêm vaccine phòng dịch COVID-19

Các cơ quan chức năng của Nhật Bản đang khẩn trương chuẩn bị để triển khai chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN