Châu Âu tính kế gì khi bị các hãng vaccine 'lỡ hẹn'

Các trung tâm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại châu Âu đã sẵn sàng nhưng “nhân vật chính” chưa xuất hiện.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó là thông tin không mấy vui từ các công ty dược khi Pfizer cắt giảm sản lượng còn AstraZeneca tuyên bố chỉ chuyển giao số vaccine tương đương 40% lượng đã hứa hẹn với châu Âu.

Liên minh châu Âu đang bị tụt lại phía sau so với nhiều nơi trên thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Kênh DW (Đức) cho biết ban đầu Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khăn vì vấn đề tổ chức, hiện nay khối này lại đối mặt với tình trạng thiếu vaccine.

Ủy ban châu Âu (EC) đã ký hợp đồng với 8 nhà sản xuất để nhận 2 tỷ liều vaccine COVID-19.Mới chỉ có BioNTech-Pfizer triển khai chuyển giao vaccine nhưng công ty dược Mỹ Pfizer thông báo sẽ cắt giảm sản xuất từ cuối tháng 1.

AstraZeneca của Anh xác nhận chỉ có thể chuyển 40% lượng đã cam kết vào quý đầu năm nay.

EC từng ca ngợi chính sách tập trung hóa vaccine là thành công với mọi thành viên EU được tiếp cận vaccine COVID-19 một cách công bằng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thế khó xử hiện nay của EU với vaccine COVID-19?

Ngày 15/1, Hội đồng phân phối vaccine EU đã gặp gỡ AstraZeneca để “nhắc nhở” công ty dược này về nghĩa vụ trong hợp đồng. EU vốn có kỳ vọng cao với vaccine dự kiến được thông qua vào 27/1.

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca rẻ hơn và dễ lưu trữ hơn sản phẩm của các hãng khác. Tuy nhiên, AstraZeneca vào tuần trước thông báo do xuất hiện vấn đề với nguồn cung nên số vaccine chuyển giao ban đầu sẽ thấp hơn dự kiến. EU đã đặt hàng 400 triệu liều từ AstraZeneca.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Pháp ngày 22/1. Ảnh: Reuters

Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết chưa nhận được câu trả lời hợp lý sau khi đàm phán với AstraZeneca. Bà Stella Kyriakides cho biết EU đã chi 3,3 tỷ USD cho việc phát triển và sản xuất vaccine COVID-19 và muốn “hợp đồng được thực hiện đầy đủ”.

Bà Stella Kyriakides cũng bổ sung rằng EU muốn sự minh mạch: “Trong thời gian tới, mọi công ty phải gửi thông báo trước khi họ xuất khẩu vaccine tới quốc gia thứ ba”. Có thông tin cáo buộc AstraZeneca cung cấp vaccine cho Anh trong khi không thực hiện đầy đủ cam kết với EU.

Pfizer cũng thừa nhận không thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vaccine COVID-19 cho châu Âu. Nhưng công ty dược này cam kết quá trình sản xuất sẽ được đẩy mạnh từ đầu tháng 2.

Chính phủ Italy trong khi đó muốn mạnh tay đưa Pfizer và AstraZeneca lên tòa án và buộc hai công ty này đảm bảo thực hiện đúng như điều khoản đã thống nhất trong hợp đồng. Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio phát biểu trên truyền hình ngày 24/1: “Chúng tôi có hành động pháp lý để có thể tiếp nhận vaccine chứ không phải lấy đền bù tài chính”.

Ireland, Thụy Điển, Na Uy và nhiều quốc gia Đông Âu đã bày tỏ thất vọng vì tình trạng thiếu hụt vaccine gây ảnh hưởng đến kế hoạch của các quốc gia này.

Chuyên gia y tế Đức thuộc Đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu, ông Jutta Paulus đánh giá vấn đề bắt nguồn từ việc vaccine được phát triển nhanh hơn dự kiến và các công ty dược chưa có đủ năng lực cần thiết cho việc sản xuất quy mô lớn.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nhiều bất đồng tại hội nghị WEF về phân phối vaccine COVID-19
Nhiều bất đồng tại hội nghị WEF về phân phối vaccine COVID-19

Hội nghị trực tuyến Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2021 (WEF) đã xảy ra nhiều bất đồng khi các nước kêu gọi phân phối công bằng nguồn vaccine phòng COVID-19 do lo ngại các nước giàu "tích trữ" gây tình trạng mất cân bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN