Căng thẳng liên quan đến vaccine ngừa dịch COVID-19 gia tăng khi tiến trình phân phối bị chậm lại so với kế hoạch. Các nước giàu từng tài trợ để nghiên cứu vaccine đã lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất đảm bảo nguồn cung. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng châu Âu đã đầu tư hàng tỷ euro để giúp phát triển ra những loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Bà Leyen khẳng định các công ty phải tôn trọng nghĩa vụ và giao hàng.
Châu Âu yêu cầu các hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh và Thụy Điển hợp tác bào chế và Pfizer của Mỹ phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng vì sự chậm trễ trong việc cung ứng vaccine cho khối này.
Đại diện châu Âu thậm chí lo ngại rằng các tập đoàn dược phẩm có thể bán số vaccine được đặt hàng cho những nhà thầu khác bên ngoài EU với giá cao hơn. Hiện EU đang yêu cầu các nhà sản xuất vaccine phải thông báo cho cơ quan chức năng về bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào ra ngoài EU. Trong phát biểu tại hội nghị ngày 26/1, bà Leyen nhấn mạnh EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vaccine nhằm buộc các công ty đảm bảo tôn trọng các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Tuy nhiên, bà Leyen cũng khẳng định EU vẫn tìm cách để đảm bảo vaccine đến được với các nước nghèo hơn bên ngoài khối, thông qua liên minh COVAX, một cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, phân phối vaccine công bằng cho các nước nghèo.
Cũng tại diễn đàn này, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng thừa nhận những sai lầm của Đức trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Thủ tướng Merkel trên tờ "die Welt" nói rằng: “Tất cả chúng ta đều sai sót”. Những yếu điểm trong số hóa, tình trạng thiếu thiết bị kỹ thuật và hệ thống mạng trong các cơ quan y tế chưa hoàn thiện là những nguyên nhân dẫn đến những sai sót trong chống đại dịch
Tại WEF, Thủ tướng Merkel cũng đã thảo luận về các chuỗi cung ứng quốc tế trong bối cảnh nhiều chuỗi cung ứng đã bị chia cắt do đại dịch. Mặc dù không đưa ra cam kết cụ thể nào, song bà Merkel nhấn mạnh Đức sẵn sàng viện trợ cho hợp tác phát triển, cam kết sẽ hỗ trợ các nước nghèo nhiều hơn nữa trong công cuộc tái thiết sau đại dịch.
Thủ tướng Merkel cũng nêu bật tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng khác. Bà cho rằng “thời điểm của chủ nghĩa đa phương đã đến" và yêu cầu một sự phân phối quốc tế công bằng đối với vaccine ngừa COVID-19.
Nhà lãnh đạo Đức tin tưởng vào sự hợp tác chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bà muốn cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden nhanh chóng tiếp cận cải cách thuế toàn cầu. Bà nói: “Tôi hy vọng với chính quyền mới của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc đánh thuế tối thiểu với các công ty kỹ thuật số”.