Các đồng minh đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn và tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới.
Các nhà lãnh đạo NATO cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này của khối mang tính “lịch sử” khi đạt được cam kết về triển vọng gia nhập liên minh của Ukraine, sự tham gia của thành viên thứ 31 là Phần Lan và sự nhất trí của Thổ Nhĩ Kỳ đối với yêu cầu gia nhập liên minh của Thụy Điển.
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần này, Mỹ và các đồng minh đã công bố các đảm bảo an ninh mới cho Ukraine trong khi chờ đợi thời điểm thuận lợi để quốc gia này gia nhập liên minh quân sự.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Anh đã đưa ra một sáng kiến đa phương nhằm đảm bảo an ninh lâu dài cho Kiev, với mục đích tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine. Sáng kiến này bao gồm việc cung cấp các thiết bị quân sự tiên tiến, trong đó có cả máy bay chiến đấu, phát triển công nghệ quốc phòng, đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh mạng.
Các quốc gia khác là Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Island, Phần Lan, Đan Mạch, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã tham gia khuôn khổ này. Đổi lại, Ukraine cam kết cải thiện công tác quản trị của mình, đặc biệt thông qua cải cách tư pháp và kinh tế cũng như tăng cường tính minh bạch.
Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, hội nghị thượng đỉnh Vilnius “mở cửa ra các phần khác của thế giới" khi NATO tăng cường mối quan hệ của mình với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zeland.
Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO dự kiến sẽ diễn ra tại Washington (Mỹ) vào năm 2024, đánh dấu 75 năm kể từ ngày thành lập liên minh quân sự này.