Thế giới tuần qua: Hội nghị NATO về Ukraine; WHO cảnh báo biến thể COVID-19 nguy hiểm mới

Trong tuần qua, tình hình Ukraine tiếp tục là tâm điểm với việc các ngoại trưởng NATO tổ chức hội nghị thảo luận về việc duy trì sự hỗ trợ cho Kiev. Bên cạnh đó, WHO đã cảnh báo thế giới việc mất cảnh giác với COVID-19 có nguy cơ dẫn đến xuất hiện biến thể nguy hiểm mới.

Chú thích ảnh
Hội nghị ngoại trưởng NATO ở Romania. Ảnh: Nato.int

NATO cam kết tăng viện trợ cho Ukraine

Theo hãng tin Reuters, tại hội nghị cấp ngoại trưởng NATO, các nước thành viên của liên minh này ngày 29/11 đã nhất trí tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và giúp Kiev sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng sau khi những đợt công kích của Nga gây gián đoạn về nguồn điện và sưởi ấm cho hàng triệu người Ukraine.

Sau ngày họp đầu tiên tại Bucharest (Romania), các ngoại trưởng NATO ra tuyên bố nêu rõ: “Hành động của Nga, bao gồm những cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự Ukraine, đang tước đoạt các dịch vụ sinh hoạt cơ bản của hàng triệu người”. Tuyên bố khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ chính trị và vật chất đến cùng cho Ukraine để giúp nước này “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Theo Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg, các thành viên của tổ chức an ninh gồm 30 nước này đã cung cấp nhiên liệu, máy phát điện, vật tư y tế và thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái, nhưng sẽ cần nhiều hơn nữa khi mùa Đông đến, đặc biệt khi Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ông Stoltenberg cho biết thêm các đồng minh cũng đang thảo luận về việc cung cấp các hệ thống phòng không Patriot nhưng cảnh báo rằng các hệ thống được chuyển giao cần phải hoạt động hiệu quả, được bảo trì và cung cấp đủ đạn dược, thừa nhận rằng đây là một "thách thức rất lớn". Ông nói thêm: “Về lâu dài, chúng tôi sẽ giúp Ukraine chuyển đổi từ thiết bị thời Xô Viết sang các tiêu chuẩn và hình thức huấn luyện hiện đại của NATO”.

Tuy nhiên sau đó ngày 1/12, Tổng thư ký NATO khẳng định cần duy trì liên lạc với Nga. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Berlin (Đức), ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO vẫn cần duy trì liên lạc vì hợp tác với Moskva là một phần của cấu trúc an ninh ở châu Âu. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần duy trì các đường dây liên lạc quân sự để ngăn chặn sự leo thang, các sự cố", lưu ý thêm rằng NATO cần "tiếp tục thảo luận với Nga về các vấn đề như kiểm soát vũ khí".

Đáp lại, Nga đã cảnh báo NATO về việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev nói: “Nếu đúng như (Tổng thư ký NATO Jens) Stoltenberg ám chỉ, NATO chuẩn bị cung cấp cho Ukraine những hệ thống Patriot cùng nhân sự của NATO, điều đó có nghĩa ngay lập tức họ sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 1/12 cáo buộc Mỹ và NATO trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Ukraine do chiến dịch hỗ trợ Kiev. Phát biểu họp báo ở thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Washington và liên minh Đại Tây Dương trực tiếp tham gia cuộc chiến vì họ cung cấp vũ khí cho Ukraine và huấn luyện quân sự cho binh lính Ukraine ngay trên lãnh thổ các nước này.

Nga đã nhiều lần lưu ý NATO chủ trương đối đầu. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh việc mở rộng hơn nữa khối này sẽ không mang lại an ninh vững mạnh hơn cho châu Âu. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng, mà trong đó phương Tây phải từ bỏ chính sách quân sự hóa lục địa của họ.

Đánh giá về việc NATO cam kết tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, tờ Global Times cho rằng các thành viên của Liên minh này sẽ cắt giảm viện trợ và vũ khí cho Ukraine do suy thoái kinh tế. Tờ báo nêu rõ: "Kết quả là có thể xảy ra kịch bản viện trợ của NATO cho Ukraine sẽ giảm mạnh, trong đó nguồn cung cấp sẽ chỉ ở mức tượng trưng". Theo tờ báo này, các nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột ở Ukraine với chi phí tiền điện tăng cao và lạm phát gia tăng, trong khi sự ủng hộ của dân chúng đối với Kiev ngày càng giảm sút.

Global Times dẫn lời của chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Lu Xiang nhận định: "Có khả năng các quan chức NATO, đặc biệt là Tổng Thư ký Stoltenberg, sẽ sớm phải đối mặt với áp lực tăng cao. Bất chấp việc Tổng Thư ký NATO kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục đảm bảo cung ứng cho Ukraine, song nếu xét tình hình kinh tế thực tế, thì việc những nước này tiếp tục viện trợ (cho Ukraine) sẽ là gánh nặng khó vượt qua. Sự giúp đỡ như vậy dĩ nhiên không thể bền vững”.

WHO cảnh báo xuất hiện biến thể COVID-19 nguy hiểm mới

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/12 cho biết, những sai sót trong chiến lược đối phó với COVID-19 trong năm nay tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho một biến thể nguy hiểm mới xuất hiện, khi các khu vực của Trung Quốc chứng kiến ​​sự gia tăng các ca nhiễm bệnh.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

Số ca nhiễm COVID-19 đang ở mức cao kỷ lục ở Trung Quốc trong khi các trường hợp nhiễm bệnh bắt đầu gia tăng ở một số vùng của Anh sau nhiều tháng suy giảm.

Tuyên bố trên của người đứng đầu WHO đánh dấu sự thay đổi quan điểm chỉ vài tháng sau khi ông Tedros nói rằng thế giới chưa bao giờ ở thời điểm tốt hơn để chấm dứt đại dịch COVID-19. 

"Chúng ta gần như có thể nói rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc, nhưng chúng ta vẫn chưa đến đó. Những lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và tiêm chủng đang tiếp tục tạo điều kiện hoàn hảo cho một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện và có thể gây tử vong đáng kể", ông Tedros nêu rõ.

Theo ông Tedros, WHO ước tính rằng khoảng 90% dân số thế giới hiện có một số mức độ miễn dịch đối với SARS-CoV-2, do từng nhiễm bệnh hoặc tiêm phòng trước đó.

Bình luận về cách giải quyết những lỗ hổng toàn cầu trong việc tiêm chủng, trưởng nhóm kỹ thuật Maria Van Kerkhove của WHO cho biết cơ quan này muốn các chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, tập trung vào việc tiếp cận những người có nguy cơ. Điển hình như những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh tiềm ẩn.

"Mặc dù COVID-19 và bệnh cúm có thể là bệnh lây nhiễm nhẹ đối với nhiều người, nhưng chúng ta không được quên rằng chúng có thể gây bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong cho những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng của chúng ta", Mary Ramsay, Giám đốc chương trình y tế công cộng tại Cơ quan An ninh Y tế Anh, cảnh báo.

Với đỉnh điểm của đại dịch đã qua, các quốc gia trên toàn thế giới đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp giám sát, xét nghiệm và tiêm phòng căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người cho đến nay.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Nâng cao nhận thức về di cư an toàn và khỏe mạnh sau đại dịch COVID-19
Nâng cao nhận thức về di cư an toàn và khỏe mạnh sau đại dịch COVID-19

Ngày 2/12, Tổ chức Di cư Quốc tế thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam (IOM) tổ chức cuộc họp bàn tròn cùng Ban thư ký của Nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư (MHWG) nhằm nâng cao nhận thức về di cư an toàn và khỏe mạnh thích ứng với điều kiện bình thường mới tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN