Tuyên bố của Hội đồng châu Âu có đoạn: “Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô khẩn cấp trị giá 1,2 tỷ euro dưới hình thức cho vay để thúc đẩy sự ổn định ở Ukraine. EU dự định cung cấp gói hỗ trợ nhanh chóng trong tình huống khủng hoảng nghiêm trọng và tăng cường khả năng phục hồi của Ukraine. Hội đồng châu Âu đã hoàn tất quy trình thông qua trong ngày 21/2, chỉ 21 ngày sau khi Ủy ban châu Âu trình bày đề xuất của cơ quan này”.
Trước đó, cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch ngày 4/2 đã hạ đánh giá triển vọng nợ dài hạn của Ukraine từ mức tích cực xuống ổn định do tình hình căng thẳng với Nga, trong khi vẫn duy trì xếp hạng tín dụng của nước này ở mức B.
Trong thông báo mới nhất, Fitch cho hay kể từ lần đánh giá gần nhất vào tháng 8/2021, rủi ro cho hoạt động tài chính của Ukraine đã gia tăng do một loạt yếu tố, bao gồm nguy cơ căng thẳng kéo dài với Nga, điều kiện tài chính hạn chế, dòng vốn "chảy" khỏi nước này ở tốc độ vừa phải và dự trữ ngoại tệ suy yếu.
Fitch bày tỏ tin tưởng rằng việc Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các kênh tài chính song phương sẵn sàng mở rộng hỗ trợ cho Ukraine, bên cạnh khuôn khổ chính sách vĩ mô, dự trữ ngoại hối cùng tài khóa được củng cố vào năm 2022 sẽ giúp giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế này.
Trước đó, hôm 2/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các bên liên quan tìm ra một giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tổ chức này nhấn mạnh rằng tình hình đó đã tác động đến giá năng lượng và tạo thành mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu.