Theo Thủ tướng Kishida, trong ngày 17/2, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã kêu gọi các bên không tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và tìm kiếm giải pháp dựa trên tinh thần đồng thuận thông qua đàm phán ngoại giao. Thủ tướng Kishida đánh giá đây không chỉ là vấn đề đối với châu Âu mà còn là của toàn thể cộng đồng quốc tế, trong đó có châu Á.
Trong khi đó, Đài truyền hình TBS đưa tin Thủ tướng Kishida có kế hoạch điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden sớm nhất vào ngày 21/2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trước đó cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo Thủ tướng Kishida sẽ tham dự hội nghị trực tuyến Nhóm Các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) để thảo luận về tình hình Ukraine. Hội nghị do Đức chủ trì, là một phần nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Trước đó, Nhà Trắng cũng thông báo Tổng thống Biden có kế hoạch thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine với các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/2 tới. Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo các nước G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) cũng sẽ thảo luận về các ưu tiên trong năm Chủ tịch của Đức.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.