Cuộc đối đầu trên không của Nga và Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Cùng với những căng thẳng trên thực địa về Ukraine, máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ đã nhiều lần xuất hiện nguy cơ đụng độ trong vài tuần qua.

Mỹ và Nga vẫn đang "khẩu chiến" xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngay cả khi Bộ Quốc phòng Nga công bố rút một bộ phận binh sĩ khỏi biên giới Ukraine, Washington đã nhanh chóng bác bỏ điều này, đồng thời nhấn mạnh rằng tình hình vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Ảnh: eurasiantimes.com

Theo Thời báo Âu-Á (eurasiantimes.com) mới đây, cùng với những căng thẳng trên thực địa, máy bay chiến đấu của 2 nước từng là đối thủ của nhau thời Chiến tranh Lạnh đã nhiều lần có nguy cơ xảy ra đụng độ trong vài tuần qua. Trích dẫn các nguồn tin từ Lầu Năm Góc, tờ New York Times đưa tin rằng các máy bay phản lực của Mỹ và Nga hoạt động ở phía Đông Biển Địa Trung Hải tiếp cận gần nhau một cách nguy hiểm trong ba sự cố khác nhau trong thời gian gần đây.

Cụ thể, ba máy bay chiến đấu phản lực Su-35 của Nga đã "đi lạc" vào đường bay của ba máy bay giám sát P-8A của Mỹ trên không phận quốc tế. Trong khi Su-35 là máy bay siêu cơ động hạng nặng tốt nhất của Nga, thì P-8A là máy bay quân sự của Mỹ chịu trách nhiệm về các hoạt động Tình báo, Trinh sát và Giám sát (IRS).

P-8A là một máy bay tuần tra hàng hải bay thấp chủ yếu được sử dụng để quan sát. Mặt khác, Su-35 của Nga là loại máy bay chiến đấu phản lực trang bị tên lửa tấn công. “Mặc dù không ai bị thương, nhưng những sự cố như vậy có thể dẫn đến tính toán sai lầm và sai lầm dẫn đến kết quả nguy hiểm hơn”, Đại úy Hải quân Mike Kafka, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu và khu vực duy nhất mà hai đối thủ chạm trán nhau trên không. Trong một sự cố khác, ba máy bay Nga đã bay vào không phận bị hạn chế của liên quân do Mỹ đứng đầu ở miền Đông Syria vào ngày 15/2, dẫn đến việc các máy bay chiến đấu của Mỹ và máy bay khác của liên quân áp sát.

Một máy bay chở hàng của Nga và hai máy bay ném bom Tu-22 Backfire đã bay vào khu vực được gọi là Khu vực an ninh miền Đông Syria mà "không cung cấp đủ thông tin trước" cho Liên quân do Mỹ dẫn đầu. 

Do đó, các máy bay F-16 của Mỹ và liên quân đã bay cảnh giới 2 máy bay của Nga trong một thời gian ngắn đến khi rời khu vực này. Mặc dù sự cố không được coi là nguy hiểm, chỉ 6 giờ sau một máy bay chở hàng khác và một máy bay phản lực quân sự của Nga cũng bay qua cùng khu vực. Theo một quan chức Mỹ, phía Nga đã không bay máy bay ném bom qua khu vực này kể từ tháng 5/2021.

Liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo được thành lập vào năm 2014 để chống lại IS. Kể từ năm 2015, Mỹ đã cung cấp hỗ trợ vật chất, tài chính và hậu cần cho chính quyền tự trị ở Bắc và Đông Syria và nhóm vũ trang Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Hiện Mỹ có khoảng 900 lính đang đóng quân ở miền Đông Syria, hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Mặt khác, Nga, cùng với Iran và lực lượng Hezbollah, là một phần của liên minh hỗ trợ Chính phủ của Tổng thống Assad và quân đội của Syria. Nga tham chiến, ủng hộ Chính phủ Syria từ năm 2015, hỗ trợ quân đội Syria giành được nhiều thắng lợi trên thực địa.

Do tham gia sâu rộng vào cuộc xung đột ở Syria, cả Mỹ và Nga đều đưa ra một số quy tắc được hai bên đồng ý để tránh va chạm. Một trong số đó là yêu cầu thông báo về chuyến bay qua không phận của Liên quân. Vì vậy, Mỹ cho biết họ cần nhận được thông báo của các bên liên quan khi máy bay của họ hoạt động ở  khu vực an ninh trải dài từ Deir ez-Zor ở phía Nam và phía Đông đến biên giới Iraq.

Công Thuận/Báo Tin tức
Căng thẳng Nga-Ukraine bộc lộ rạn nứt trong nội bộ NATO
Căng thẳng Nga-Ukraine bộc lộ rạn nứt trong nội bộ NATO

Căng thẳng Nga-Ukraine đang làm bộc lộ những mâu thuẫn bên trong các nước thành viên NATO ở châu Âu liên quan đến các ưu tiên an ninh và kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN