Trong ngôi làng nhỏ al-Mashrada, bé gái 7 tháng tuổi Zahra khóc ngằn ngặt trong tay mẹ vì không được uống sữa. Bản thân cũng bị suy dinh dưỡng, mẹ Zahra không có tiền mua sữa cho con cũng như không đủ sữa mẹ để cho con uống. Bố mẹ Zahra cũng không có tiền thuê xe đưa cô tới trung tâm y tế chữa trị. “Chúng tôi chỉ có Chúa. Chúng tôi nghèo và không có gì trong tay”.
Đây chỉ là một trong số nhiều gia đình tại huyện Aslam vật vờ sống qua ngày dựa vào lá cây nho theo tiếng Yemen Arab có tên gọi “halas”.
Phóng viên hãng tin AP đã ghi lại những hình ảnh thương tâm tại trung tâm sức khỏe ở huyện Aslam, nơi mà các em bé da bọc xương, mắt lồi to, ngồi trong một chiếc chậu nhựa lớn để các y bác sĩ cân.
Xem video nạn suy dinh dưỡng tại các làng hẻo lánh phía Bắc Yemen (nguồn: AP):
Tính từ đầu năm tới thời điểm này có ít nhất 20 trẻ em được cho là tử vong do chết đói trong huyện Aslam - một trong những huyện nghèo nhất của Yemen, nằm ở trung tâm khu vực phiến quân Houthi kiểm soát. Tuy nhiên, giới chức cho rằng con số thực cao hơn, vì một số gia đình không thông báo mất con khi các em qua đời tại nhà.
“Chúng ta đang trong thế kỷ 21, nhưng đây là điều mà chiến tranh gây ra cho chúng ta”, người đứng đầu trung tâm y tế Mekkiya Mahdi cho biết.
Nội chiến Yemen giữa phe nổi dậy Houthi và liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu hậu thuẫn chính quyền Yemen đã bước sang năm thứ 4 khiến quốc gia này đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới”. Khoảng 2,9 triệu phụ nữ và trẻ em suy dinh dưỡng, trong đó có đến 400.000 trẻ em phải giành giật sự sống trước nguy cơ chết đói.
Theo con số thống kê của Liên hợp quốc, ít nhất 8.4 triệu người trong tổng số 29 triệu dân Yemen sẽ chết đói nếu như họ không nhận được trợ cấp quốc tế.
Khi phóng viên hãng tin AP tiếp cận các cơ quan của Liên hợp quốc với các câu hỏi về tình hình ở huyện Aslam, giới chức LHQ tỏ ra khá bất ngờ và lên tiếng mối quan ngại đáng báo động. Các nhóm viện trợ quốc tế và địa phương đã đưa ra một cuộc điều tra về lý do tại sao thực phẩm không đến với một số gia đình.
Ông Meritxell Relano, đại diện thường trú của UNICEF, cho biết tổ chức đang tăng cường đội ngũ di động của mình trong khu vực từ 3 lên 4 và cung cấp dịch vụ vận chuyển đến các cơ sở y tế.
Theo Walid al-Shamshan, người đứng đầu chuyên ngành dinh dưỡng của Bộ Y tế Yemen, trong sáu tháng đầu năm, tỉnh Hajjah ghi nhận 17.000 trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Con số này cao hơn số liệu bất cứ năm nào. Ông al-Shamshan chia sẻ: “Ngay cả sau khi điều trị, trẻ em thường vẫn tiếp tục bị suy dinh dương khi họ về nhà và không có thức ăn, nước thì bị ô nhiễm”.
Giải thích tại sao viện trợ không đến được người dân, Azma Ali - một nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết tỷ lệ viện trợ đến cộng đồng địa phương là 20%, dựa trên các tiêu chí ưu tiên giúp đỡ cho những người tị nạn và hộ gia đình khó khăn. Dưới sức ép nặng nề từ chính quyền Houthi, các cơ quan quốc tế như WFP và UNICEF cũng như một số đối tác Yemen bị yêu cầu sử dụng danh sách người nghèo do quan chức địa phương cung cấp, từ đó dấy lên tình trạng không công bằng. Một số cư dân cho biết các quan chức địa phương yêu cầu hối lộ để có được trên danh sách nhận viện trợ thực phẩm.