Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên của năm 2018, diễn ra trong một ngày đầy nắng cuối tháng 4, đã mang nhiều ý nghĩa biểu tượng và xua bớt đi mối lo sợ chiến tranh trên bán đảo. Tiếp đó, cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai vào tháng 5 lại mang tính chất "tình huống khẩn cấp", nhằm giúp đảm bảo cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Còn ngày hôm nay, gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên lần thứ ba trong một năm dồn dập các sự kiện ngoại giao quan trọng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ đối mặt với thử thách khó khăn nhất của ông: đạt được điều gì đó "nặng về chất", vượt xa khỏi những tuyên bố "mơ hồ" trước đây về phi hạt nhân hóa, đồng thời giúp đưa đàm phán Mỹ - Triều trở lại đúng lộ trình.
Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã "chệnh choạng" trong những tuần gần đây, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Bình Nhưỡng có thực sự sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời gây áp lực lên Tổng thống Moon Jae-in về vai trò trung gian một lần nữa.
Kết quả tại cuộc gặp lần này có thể sẽ là một chỉ dấu quan trọng cho thấy các cuộc đàm phán hạt nhân lớn hơn giữa Mỹ - Triều sẽ được tiến hành như thế nào. Ông Moon sẽ cố gắng để ông Kim Jong-un thể hiện rõ ràng hơn rằng Triều Tiên đã chuẩn bị từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, qua đó tạo đà cho một hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim thứ hai.
Cuộc tranh luận về hạt nhân
Ông Kim Taewoo, cựu chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia ở Seoul cho rằng: “Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba sẽ mang lại sự rõ ràng hơn về những gì Triều Tiên muốn nói khi đề cập phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo”. "Nếu Triều Tiên đàm phán với thiện chí ở lần gặp này, ông Moon sẽ có thể trở lại với kết quả tốt. Nhưng đáng tiếc, tôi thấy rằng khả năng này là thấp.", ông Kim thẳng thắn nhận định.
Ông Kim Taewoo nói rằng, lần gặp này, Tổng thống Moon có sứ mạng quan trọng là phải có được dấu hiệu rõ ràng từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện ông ta sẵn sàng chấp nhận những hành động đáng tin cậy hướng tới phi hạt nhân hóa, chẳng hạn như cung cấp mô tả chi tiết chương trình hạt nhân của Triều Tiên - một bước quan trọng đầu tiên để kiểm tra và tháo dỡ nó.
Tại các cuộc họp với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc trong năm nay, ông Kim Jong-un đã ký các tuyên bố cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên đã "mặc định" một khái niệm về phi hạt nhân hóa không giống với định nghĩa của Mỹ: họ thề sẽ theo đuổi phát triển hạt nhân cho đến khi Mỹ rút hết quân đội của mình khỏi Hàn Quốc và dỡ bỏ ô hạt nhân bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sự khác biệt này khiến Tổng thống Trump đã phải hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng vào tháng 8 vừa qua. Sau chuyến thăm trước đó của ông Pompeo, Bình Nhưỡng đã cáo buộc Washington đưa ra các yêu cầu "đơn phương và giống xã hội đen" về phi hạt nhân hóa, đồng thời bác bỏ ý tưởng rằng họ phải tiến hành những bước đi đáng kể hướng tới tháo dỡ chương trình hạt nhân của mình trước khi một hiệp ước hòa bình được ký kết hoặc các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.
Hiệp ước hòa bình
Là con trai của những người tị nạn từ Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in háo hức muốn duy trì sức sống cho ngoại giao hạt nhân, không chỉ để che đậy căng thẳng, mà còn thúc đẩy các kế hoạch tham vọng của mình với miền Bắc, bao gồm các dự án kinh tế chung, kết nối các tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều. Những dự án này vốn bị đình lại bởi các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên.
Vấn đề tuyên bố kết thúc chính thức cho cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53 sẽ là một trọng tâm trong chương trình nghị sự ở Bình Nhưỡng. Cuộc chiến đã dừng lại nhờ một lệnh ngừng bắn, vì thế suốt 65 năm qua, bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Cả hai miền Triều Tiên đều đang kêu gọi đưa ra một Tuyên bố vào cuối năm, nhưng Mỹ muốn xem thêm các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa trước. Một số nhà phân tích nói rằng một Tuyên bố hòa bình có thể gây áp lực lên Mỹ về việc rút quân khỏi Hàn Quốc.
"Với tuyên bố này, Triều Tiên đang cố gắng đặt nền móng tương đương với Mỹ để họ có thể biến quá trình này thành một cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí song phương giữa hai quốc gia hạt nhân Mỹ - Triều", chuyên gia an ninh Kim Taewoo cho biết. "Quá trình này không thể liên quan đến một kế hoạch phi hạt nhân hóa đơn phương (chỉ với Triều Tiên)."
"Tuyên bố Panmunjom sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên chỉ cung cấp một giới hạn thời gian cho tuyên bố kết thúc chiến tranh, đó là vào cuối năm 2018; về việc hủy hạt nhân, Tuyên bố chỉ nói rằng Hàn Quốc sẽ cùng nhau làm việc với Triều Tiên", Du Hyeogn Cha, một học giả thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul nói và bình luận thêm rằng: "Một thất bại trong việc đạt được một cái gì đó cụ thể hơn từ ông Kim Jong-un có thể khiến những nỗ lực ngoại giao mất đi nhiều 'công lực'".