Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể gặp gỡ bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào cuối tháng 9.
Mặc dù viễn cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên đến New York là rất mơ hồ nhưng trên thực tế, trước đây các nhà phân tích cũng chẳng hề kỳ vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un nhưng sự kiện này đã được hiện thực hóa vào tháng 6 vừa qua tại Singapore.
Giữa những lấn cấn bủa vây quanh sự chân thành của Triều Tiên trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, một cuộc gặp cấp cao tại New York được coi là khá quan trọng. Ngoài ra, trong thời điểm này, có nhiều chỉ trích rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore là bước lùi trong nỗ lực khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Do vậy, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai có thể giải quyết được nhiều khúc mắc giữa hai bên.
Khả năng không thể xảy ra
Một số ý kiến cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ khó có thể gặp gỡ tại New York. Mọi nguy cơ đều phải được tính toán trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm New York, như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, ám sát… tất cả đều có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Triều Tiên khác.
Trong khi đó, một quan chức Hàn Quốc từng gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên trong tháng này khẳng định hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khó có thể xảy ra bởi chưa có điều kiện cho một cuộc họp như vậy.
Một lý do khác là chính sách của Mỹ về Triều Tiên vẫn còn khá lộn xộn. Đơn cử như việc chỉ một ngày sau khi Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên mới về Triều Tiên, Tổng thống Trump đã đăng lên mạng xã hội Twitter tuyên bố hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng để đàm phán về hạt nhân.
Mối lo khác xuất phát từ Hàn Quốc, tờ nhật báo JoongAng đánh giá rằng nếu một hội nghị cấp cao khác được tổ chức, có khả năng Tổng thống Trump gật đầu trước thỏa thuận tạm thời để giành được “chiến công” mang tên Triều Tiên trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong tháng 11. Hàn Quốc lo ngại rằng điều này có thể đi kèm với một gói phi hạt nhân không hoàn thiện.
Vẫn có tiềm năng được tổ chức
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây bày tỏ hy vọng rằng việc phi hạt nhân nên xảy ra trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên trong năm 2021.
Trong buổi diễu binh mừng 70 năm quốc khánh ngày 9/9, Triều Tiên đã quyết định không phô trương bất cứ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nào, đây được coi là một tín hiệu thiện chí của Bình Nhưỡng.
Theo AP, trước đây chính Hàn Quốc từng đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại New York. Từ ngày 18-20/9 tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in – nhân vật được coi là kiến trúc sư hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều- sẽ gặp gỡ song phương với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhiều nhà phân tích cho rằng nhân sự kiện này, nỗ lực cho cuộc khác giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có khả năng xảy ra.
Một yếu tố khác xuất phát từ chính nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, có vẻ ông đã thay đổi hình ảnh trước thế giới. Khi đến Singapore trong tháng 7, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện sự tự nhiên đặc biệt trước ống kính truyền thông nước ngoài. Ông Kim Jong-un còn tản bộ, ngắm cảnh Singapore về đêm, gần gũi, tươi cười khi người dân địa phương gọi tên và chụp ảnh ông.
Ngoài ra, dường như Triều Tiên đang muốn chuyển tập trung vào phát triển kinh tế. Trong buổi diễu binh mừng quốc khánh, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam đã phát biểu trước công chúng, kêu gọi binh sĩ sẵn sàng cho cuộc chiến về phát triển kinh tế. Do vậy, việc tan băng quan hệ với Mỹ cũng được coi là một yếu tố tạo điều kiện cho Triều Tiên thúc đẩy mục tiêu này.